Đấu tranh khai thác, chúng thừa nhận thời gian qua bán trót lọt 147 người, thu lợi bất chính với số tiền cực lớn.
Tuy vừa được giải cứu khỏi tay những kẻ buôn người nhưng các nạn nhân lại chưa hồi hương. Thậm chí họ còn không tin rằng mình đã bị các đối tượng lừa, vẫn nung nấu ý định “xuất ngoại lấy chồng” để đổi đời.
Nạn nhân Trần Thanh Th. vừa được cơ quan công an giải cứu khỏi tay những kẻ buôn người.
Chuyên án mang bí số 2PN814
Những năm gần đây, tình hình mua bán phụ nữ ra nước ngoài có chiều hướng gia tăng và diễn biến vô cùng phức tạp. Chúng cùng chân rết của mình tổ chức dụ dỗ phụ nữ nghèo khó, không am hiểu pháp luật, muốn đổi đời, đưa sang Trung Quốc, Hàn Quốc bán cho đàn ông để mua về làm vợ. Đây là đường dây trục lợi bất chính với số tiền và nạn nhân lớn nhất từ trước đến nay. Thực hiện kế hoạch đấu tranh đánh phá băng nhóm tội phạm này, chuyên án mang bí số 2PN814 được thành lập.
Lúc 21h00 ngày 22/10, tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM), phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự Xã hội Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp với A72, C45 – Bộ Công an, Công an cửa khẩu sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng vụ hàng không miền Nam sân bay Tân Sơn Nhất, bắt quả tang hai đối tượng Xia Rong Lei (SN 1979, trú tại 48 thôn Diêm Trang, huyện Trí Bình, thành phố Liên Bình, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) và Wu Hua Peng (SN 1982, ngụ 087 đường ô Trấn, thôn ô Đường, huyện Trí Bình, thành phố Liên Bình, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) đang làm thủ tục để đưa ba phụ nữ Việt Nam từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Hà Nội, sau đó tiếp tục đi bằng đường tiểu ngạch xuất cảnh sang Trung Quốc để bán làm vợ.
Cùng đi còn có ba người đàn ông Trung Quốc khác gồm: Shen Xiao Hong (SN 1989, ngụ số 151, thôn Quách Lý, thị trấn Quách Lý, thành phố Chu Thành, Trung Quốc), Teng Shong Hang (SN 1988, số 36 thôn Thẩm Xa, xã Ôn Trấn, huyện Trí Bình, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) và Ren Fu Cang (SN 1989, số 89 Hương Phỏng, thị trấn Cương Thủy, khu Đông Vương Phủ, thành phố Liễu Thành, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc).
Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng xác định đường dây chuyên dụ dỗ phụ nữ từ Tây Ninh, Đồng Nai và các tỉnh miền Tây (An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau,...) bán cho đàn ông Trung Quốc, Hàn Quốc mua về làm vợ, do đối tượng Nguyễn Thị Sương (SN 1958, ngụ ấp An Bình, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) cùng nhiều đồng phạm thực hiện. Lệnh bắt và khám xét nơi ở đối tượng Sương được thực hiện ngay sau đó.
Liên quan đến đường dây mua bán phụ nữ của Sương tại TP.HCM, Cơ quan điều tra đã bắt và khám xét thêm ba đối tượng gồm: Nguyễn Thị Tắt (SN 1975, ngụ ấp 6 Đình, xã Nam Thái, huyện An Biên, tỉnh An Giang), Du Quốc Thắng (SN 1969, ngụ B5/137/1 liên ấp 2-3, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM) và Nguyễn Thị Ngọc Hiền (SN 1980, trú tại ấp 3, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). Sau khi giải cứu cho 19 nạn nhân (3 phụ nữ chuẩn bị đưa lên máy bay và 16 phụ nữ đang chờ), Cơ quan điều tra còn thu giữ 7 hộ chiếu, 6 vé máy bay, 11 Giấy chứng minh thư nhân dân, 7 thẻ tín dụng, 10 điện thoại di động, 9 bộ Hồ sơ kết hôn, 30 triệu đồng cùng nhiều tang vật liên quan.
Nạn nhân không tin mình bị lừa?
Ngày 10/11, PV tìm đến nhà các nạn nhân. Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu), PV được biết ngày 3/11, chị Trần Thanh Th. (SN 15/3/1992, trú tại ấp Cái Tràm B, thị trấn Hòa Bình, 1 trong 19 nạn nhân vừa được giải cứu), đến UBND thị trấn xin xác nhận tình trạng hôn nhân, để đăng ký kết hôn với ông Choi Seung Gil (SN 1975, quốc tịch Hàn Quốc). Tuy nhiên, do có yếu tố nước ngoài nên UBND thị trấn Hòa Bình có Công văn số 60/UBND gửi Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu xin ý kiến.
Trao đổi với PV, ông Mã Thành Sứ, Trưởng ban nhân dân ấp Cái Tràm B, thị trấn Hòa Bình cho biết: “Tuần trước, Th. có đến chính quyền sở tại xin xác nhận tình trạng độc thân để làm thủ tục kết hôn với người nước ngoài. Nào ngờ, đây là một trong những nạn nhân vừa được ngành chức năng giải cứu. Tuy nhiên, hiện Th. vẫn chưa về lại quê nhà. Cô ấy đi đâu thì chúng tôi chưa nắm rõ”. Cũng theo ông Sứ, Th. có người cô ruột là bà Trần Thị Út lấy chồng Hàn Quốc và định cư ở bên đó hơn sáu năm nay.
Theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi men theo con lộ nông thôn ngoằn ngoèo tìm đến nơi ở của Th.. Trong căn nhà xập xệ, ông Trần Văn L. (SN 1967, cha của Th.) tỏ ra hết sức cẩn trọng, lo lắng mỗi khi xuất hiện người lạ. Biết chúng tôi là PV, ông nói: “Hiện con gái tôi không có ở nhà, đi công việc rồi. Còn con trai lớn đã có vợ và cũng đi làm ăn xa, gia đình hiện tại chỉ còn vợ chồng tôi giờ sống lay lắt qua ngày”.
Khi chúng tôi thông báo Th. vừa được cơ quan công an giải cứu thành công trong đường dây đưa phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc, Hàn Quốc bán cho đàn ông bản xứ mua về làm vợ, ông L. không chút bất ngờ: “Con gái tôi đã khôn lớn nên nó có quyền quyết định cuộc đời mình. Ở làng quê này, thiếu gì người lấy chồng ngoại quốc rồi giàu sang, đổi đời. Lấy chồng Trung Quốc thì tôi không rõ, nhưng lấy chồng Hàn Quốc thì làm gì có chuyện bán và mua. Em gái tôi đang lấy chồng Hàn Quốc và sống ở bên ấy gần chục năm trời, có vấn đề gì đâu?”.
Ngôi nhà xập xệ, nơi Th. sinh sống. |
Tiếp lời chồng, bà Nguyễn Thị Thu H. (SN 1967, mẹ Th.) khẳng định: “Con gái tôi muốn có chồng nước ngoài là do nó tự nguyện, không ai ép buộc gì cả. Tôi không tin rằng con mình bị lừa bán sang nước ngoài để làm vợ. Sự việc xảy ra thế này, sắp tới gia đình tôi sẽ không biết tính ra sao”.
Ngay sau đó, chúng tôi đã gọi vào điện thoại di động của Th.. Trong cuộc đàm thoại ngắn này, Th. bày tỏ: “Hiện em đang ở Vĩnh Long, chưa về lại quê nhà. Em cũng đã trưởng thành, em có quyền quyết định mọi việc của cuộc đời em. Việc lấy chồng Hàn Quốc là do cô ruột em mai mối, em tự nguyện, chứ không ai bắt buộc em cả. Sự việc như thế này, làm con đường xuất cảnh của em phải chậm lại. Không biết đến bao giờ em mới được đi theo nguyện vọng”.
Khi chúng tôi đưa ra hàng loạt dẫn chứng cụ thể, trong thời gian qua, ngành chức năng đã giải cứu thành công và đưa về nước an toàn rất nhiều phụ nữ bị lừa bán vào các “động quỷ” ở nước ngoài làm nô lệ tình dục, Th. bình tĩnh trả lời: “Chuyện đó qua báo đài, em có nghe, nhưng trường hợp của em lại khác. Em không tin mình bị lừa”.
Qua tìm hiểu, được biết, cả gia đình Th. đều không am hiểu pháp luật. Hằng ngày, nghề mưu sinh chủ yếu của gia đình là bắt ba khía ven sông theo mùa nước, thu nhập chỉ vài chục nghìn đồng, lại bữa có bữa không, có khi cả tháng trời cũng không tìm được việc.
Do nhà nghèo, đông anh em nên ông L. chưa một lần được đến trường, còn bà H. chỉ học hết lớp 3 rồi nghỉ. T. (anh trai Th.) cũng không hơn bố mẹ là mấy, từ ngày T. có vợ con thì cuộc sống càng vất vả hơn. Tuy gia đình Th. rất siêng năng lao động, nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo bám, cuộc sống dường như không lối thoát. Theo dư luận địa phương, có lẽ vì cuộc sống thiếu thốn nên Th. nhắm mắt làm liều, mang cả cuộc đời và mạng sống ra đánh cược để đổi đời.
Đang mở rộng điều tra
Từ trước đến nay, các chân rết trong đường dây của đối tượng Nguyễn Thị Sương (SN 1958, ngụ ấp An Bình, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) đã bán tổng cộng 166 phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc và Hàn Quốc, trong đó 147 người đã được bán trót lọt (hiện ba người đã về Việt Nam, 144 người còn ở Trung Quốc và Hàn Quốc); 16 người đang chờ đưa đi nước ngoài, ba người được phát hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện, Vụ án đang tiếp tục mở rộng điều tra và truy bắt các đối tượng còn lại.
|
THANH LÂM