Tại phiên tòa xét xử, Huỳnh Mỹ Hạnh – chị gái của Huyền Như kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt vì mẹ đã già, có 3 con nhỏ. Bị cáo muốn xin được giảm án để sớm về nhà nuôi con.
Chiều nay (17/12), Tòa phúc thẩm, TAND TP.HCM tiếp tục đưa Huỳnh Thị Huyền Nhưvà đồng phạm ra xét xử.
Tin tức từ Dân trí cho hay, tại phiên tòa phúc thẩm, đại điện Công ty Phương Đông kháng cáo, yêu cầu xem xét lại tư cách pháp lý Công ty Phương Đông trong Vụ án này là người bị hại. Đồng thời yêu cầu Vietinbank trả lại 380 tỷ bị chiếm đoạt, cộng với lãi hơn 126 tỷ.
Trước các câu hỏi của HĐXX về thủ đoạn chiếm đoạt 380 tỷ đồng của Công ty Phương Đông, Huyền Như trả lời: “Việc chiếm đoạt của Công ty Phương Đông được thực hiện bằng các lệnh chi, lệnh chi đó là lệnh chi trắng chỉ có chữ ký của chủ tài khoản rồi bị cáo mang về làm giả, điền nội dung vào sau”.
Huyền Như cũng xác định: “Việc bị cáo tự trích tiền từ tài khoản khách hàng chuyển trả nợ cá nhân là sai và tiền khi chuyển đi là trên tài khoản hợp lệ của công ty Phương Đông. Bên cạnh đó, ngoài lãi suất trả theo hợp đồng giữa Vietinbank với Phương Đông thì lãi chênh lệch thoả thuận thêm là cá nhân bị cáo trả”.
Tương tự câu trả lời với các nạn nhân trong vụ án này được xem xét trước, đại diện Vietinbank cũng từ chối việc bồi thường vì cho rằng đây là bị cáo Huyền Như gian dối lừa tiền, giao dịch này là bất hợp pháp. Vietinbank cũng xác nhận với VKS, Công ty Phương Đông là khách hàng truyền thống của ngân hàng mình.
|
Sau giờ giải lao, HĐXX bắt đầu thẩm vấn hành vi lừa đảo của Huyền Như tại Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB). Theo đại diện VIB, án sơ thẩm tuyên Huyền Như chiếm đoạt của ngân hàng này là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, đại diện VIB đề nghị xem xét về trách nhiệm dân sự.
Trả lời HĐXX, Huyền Như cho biết, hành vi nêu trong bản án sơ thẩm là hoàn toàn đúng. Theo đó, Huyền Như đã làm 40 hợp đồng tiền gửi giả với số tiền ghi trên hợp đồng là 16,8 tỷ đồng đến 24,3 tỷ đồng, sau đó ký giả chữ ký của lãnh đạo chi nhánh TP HCM để ký với 12 khách hàng là bạn bè. Số hợp đồng giả này, Như đem cầm cố vay tiền của Ngân hàng VIB TP.HCM để chiếm đoạt tiền.
Ngoài ra, trong hành vi này còn có 11 bị cáo liên quan, trong đó có Đào Thị Tuyết Dung (SN 1969, trú tại TP.HCM) - Cựu Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân. Dung bị VKS kháng nghị tăng nặng hình phạt. Tại tòa, các bị cáo liên quan đến hành vi này cũng thừa nhận tội.
Trả lời câu hỏi của luật sư tham gia thẩm vấn, Huyền Như cho biết, khi đưa các hợp đồng này những cá nhân liên quan hoàn toàn không biết đấy là hợp đồng giả. Như cũng không bàn bạc kế hoạch với các bị cáo liên quan đến hành vi này. Như cũng khẳng định, các bị cáo không được hưởng lợi đối với việc chiếm đoạt tiền tại Ngân hàng VIB.
Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Dân trí). |
Do không có luật sư tham gia thẩm vấn tiếp các bị cáo liên quan đến việc chiếm đoạt tiền tại Ngân hàng VIB, HĐXX quyết định chuyển sang thẩm vấn hành vi chiếm đoạt tài sản của Huyền Như đối với cá nhân bà Giã Thị Mai Hiên số tiền hơn 274 tỷ đồng.
Bà Hiên không có mặt tại phiên tòa và ủy quyền cho luật sư. Tại hành vi chiếm đoạt tiền của bà Giã Thị Mai Hiên, Huyền Như cũng thừa nhận hành vi như bản án sơ thẩm.
Cuối buổi phúc thẩm chiều nay, HĐXX quay lại xem xét kháng cáo của bị cáo Huỳnh Mỹ Hạnh trong vụ lừa đảo chiếm đoạt của Huyền Như tại Ngân hàng VIB. Thông tin về phần trả lời của bị cáo này, VOV đưa tin, Huỳnh Mỹ Hạnh – chị gái của Huyền Như khóc lóc than không biết Huyền Như đã lừa cả chị gái mình.
Tại phiên sơ thẩm, bị cáo Hạnh khai, đang làm nghề bán hột vịt thì được Huyền Như đưa về làm nhân viên rồi đưa lên làm phó giám đốc Công ty Hoàng Khải do Như lập ra, sau đó lôi kéo phục vụ việc giao dịch các khoản tiền chiếm đoạt. Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt Mỹ Hạnh 14 năm tù vì giúp em gái Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt số tiền 15 tỷ đồng của Ngân hàng VIB chi nhánh TP HCM.
Mỹ Hạnh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt vì mẹ đã già, có 3 con nhỏ. Bị cáo muốn xin được giảm án để sớm về nuôi con nhỏ.
HV (TỔNG HỢP)