Thảm thương bà và cháu 2 tuổi chết cháy vẫn ôm chặt nhau
Lời đồn về ngôi nhà “ma” và câu chuyện đau lòng của người sống
Trải lòng về hạnh phúc của người đàn ông “nhặt vợ” ở góc tối Sài Gòn
Vợ chồng anh Sơn, chị Nhung đang rất hạnh phúc. Ảnh: Hưng Thanh
Mẹ chết, bố bỏ đi biệt xứ khi mới lên 5 tuổi
Sinh năm 1968, từ khi chào đời anh Trịnh Thanh Sơn (ở thôn Đồng Đội, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã không có một mái ấm gia đình vẹn tròn như những đứa trẻ khác. Mẹ mất, bố bỏ nhà đi biệt xứ, cậu bé Sơn khi ấy dù chưa được 5 tuổi đã trở nên lạc lõng giữa dòng đời.
May mắn khi Sơn được vợ chồng cùng thôn là ông Trịnh Văn Toại và bà Đồng Thị Xuyên nhận nuôi, cậu bé lớn lên trong hơi ấm gia đình. Ngày bé, anh Sơn cũng phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác, thậm chí thông minh vượt trội hơn hẳn so với chúng bạn cùng trang lứa. Nhưng đến năm 9 tuổi, anh Sơn đột nhiên bị teo cơ, viêm đa khớp, toàn thân co quắp, hai chân cứng đơ như gỗ, không thể co duỗi được. Cùng năm ấy, nỗi đau nhân lên khi người cha nuôi, trụ cột trong gia đình chết vì bạo bệnh.
Bao nhiêu tiền bạc, tài sản trong gia đình tiêu tán để chạy chữa cho anh Sơn. Thế nhưng mấy chục năm trôi qua, người anh Sơn vẫn mãi chỉ đo được tầm 3 gang tay, nằm duy nhất một tư thế là ngửa. Đến năm 1996 thì đôi mắt của anh Sơn cũng không thể nhìn thấy gì. Kể từ đó, cuộc đời anh hoàn toàn chìm trong bóng tối. Thêm một lần nữa anh Sơn lại trải qua những thử thách của cuộc đời.
Sau khi người cha nuôi mất, động lực lớn nhất của anh Sơn là từ người mẹ. “Thấy bà quanh năm đầu tắt mặt tối mà cơm vẫn độn sắn, có miếng gì ngon đều nhường cho con làm tôi thấy lòng nghẹn lại. Tôi nghĩ, cuộc đời bất hạnh với ông bà là không con, nhận nuôi tôi để nay mai tuổi già sức yếu có người trông cậy. Ai ngờ mình lại là gánh nặng làm oằn đôi vai mẹ, khiến cha nuôi ra đi không thanh thản”, anh Sơn tâm sự.
Giữa cơn bão tố của cuộc đời, người ta dễ dàng từ bỏ nhưng anh Thanh Sơn đã biến đau thương thành hành động, vượt lên chính mình để sống có ích, để đôi mắt mẹ bớt hằn sâu những vết nhăn đau đớn. Nhưng số phận cay nghiệt một lần nữa xô tới hạnh phúc mong manh của anh khi năm 2011, người mẹ già, điểm tựa tinh thần duy nhất đã bỏ anh ra đi mãi mãi.
Câu chuyện bị ngắt quãng bởi những giọt nước mắt trào ra từ lúc nào, chúng nhanh chóng lăn qua gò má, rơi xuống giường mà Thanh Sơn đang nằm. Chúng tôi, những người ngoài cuộc cũng rơm rớm nước mắt.
Vợ anh Sơn đã mang bầu
Căn nhà khang trang của anh Sơn, chị Nhung luôn ngập tiếng cười. Ảnh: Hưng Thanh
Cuộc đời anh Sơn nằm trên giường làm bạn với chiếc đài cassette cũ. Thông qua chiếc đài này mà anh Sơn mày mò, học hỏi được nhiều bài thuốc hay, họccách làm giàu. Điều khó nhất là chọn nghề gì phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình. Tính đi tính lại, anh chọn cách nuôi gà. Anh bàn với mẹ, nhờ bà bế sang nhà bác họ để học cách nuôi gà, ấp trứng gia cầm bằng công nghệ lò ấp. Mặc dù thân hình khuyết tật nhưng anh Sơn lại có trí nhớ rất tốt, chỉ cần nghe qua là anh đã hiểu, khắc sâu vào tâm trí. Được người bác chỉ bảo tận tình, anh nhớ từng chi tiết, từng công đoạn nhất là các loại bệnh về gà. Về nhà anh kêu gọi anh em góp tiền mua lò ấp trứng, mở trang trại gà, ngan ngay tại nhà.
Dù một vài lần đàn gà bị dịch phải tiêu hủy nhưng cứ sau mỗi lần thất bại, anh Sơn lại rút ra được bài học đắt giá. Đến nay, nhờ cách bố trí khoa học, theo dõi chặt chẽ, trang trại của anh Sơn cũng đã phát triển ổn định với 110 gà đẻ, 40 con gà gô, hàng trăm con gà thịt cho năng suất cao. Một lò ấp trứng hoạt động thường xuyên, mỗi lần ấp được trên 5.000 quả trứng, không chỉ phục vụ cho gia đình mà còn ấp thuê cho bà con nhân dân trong làng ngoài xã. Nhờ đó mà anh xây được căn nhà mái bằng kiên cố, đầy đủ tiện nghi. Không những thế anh còn tạo việc làm cho 3, 4 lao động với thu nhập ổn định.
Nghị lực vươn lên cộng với tiếng kinh doanh có uy tín của anh Trịnh Thanh Sơn các mối hàng cứ thế tăng lên. Thậm chí có người ở tận Ninh Bình, Nam Định cũng tìm về nhờ anh Sơn cung cấp con giống. Nếu vật nuôi có biểu hiện mắc bệnh chỉ cần gọi điện nói triệu chứng là anh Sơn có thể chỉ ra loại thuốc phòng, chữa rất hiệu quả. Anh Sơn trở thành “bác sỹ thú y” được khách hàng rất tin tưởng.
Nằm một chỗ nhưng anh Sơn lại am hiểu rất nhiều lĩnh vực cộng với khiếu ăn nói, vì thế đã có không ít người đem lòng nể phục. Chỉ mới nói chuyện qua điện thoại mà nhiều cô đã xiêu lòng.
Trong số những người phụ nữ ấy, cô gái có tên Vũ Thị Tuyết Nhung (SN 1983) làm công nhân ở Hà Trung là người khiến anh Sơn thổn thức. Chẳng biết trời xui đất khiến hay duyên nợ từ kiếp trước mà anh Sơn chỉ tán có 3 ngày, mất hơn 1 triệu đồng tiền điện thoại, chị Nhung đã tìm tới tận nơi. Dù biết hình hài anh Sơn như vậy nhưng cảm phục nghị lực sống của anh, chị Nhung đã gật đầu đồng ý. Để đi đến được hôn nhân, hai anh chị cũng đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn trắc trở ở phía trước, nhất là sự phản đối kịch liệt của gia đình chị Nhung.
Bằng tình yêu, sự cảm thông chia sẻ cùng với quyết tâm một đám cưới đầm ấm đã được diễn ra. Trong căn nhà ba gian rộng rãi tràn ngập tiếng cười ấy giờ anh chị đang chuẩn bị đón thêm thành viên mới bởi chị Nhung đã mang bầu sắp tới ngày sinh.