Vụ TMV Cát Tường: Hé lộ đơn kháng cáo... 5 dòng của bác sỹ “đồ tể”
Đại gia "sảy" chân, đưa người thân vào vòng lao lý
Đại gia mỗi ngày đi 1 siêu xe, chỉ tiêu USD mệnh giá cao và không nhận lại tiền thừa
Chuốc thuốc mê, vô hiệu hóa camera để... cướp tiền tỉ
Đã tham gia phá hàng trăm vụ trọng án, nhưng với Đại tá Phạm Phúc, Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật hình sự (PC54) Công an TP. Đà Nẵng, có lẽ chuyên án 115C (năm 2006), nhằm đối phó tên siêu trộm gây ra loạt vụ trộm, cướp tiền tỉ, vẫn luôn hằn trong ký ức. Điều đặc biệt là tên trộm, cướp tiền tỉ Nguyễn Văn Hùng bị bắt vì mẩu thuốc lá hút dở để lại hiện trường.
Theo Hồ sơ tại cơ quan CSĐT, ngày 20/5/2003, trên địa bàn TP.Đà Nẵng xảy vụ cướp tại ban giải tỏa đền bù TP.. Đối tượng phá két sắt, cuỗm đi 1,5 tỉ đồng mà không để lại bất kỳ dấu vết nào.
Nhận tin báo, cơ quan CSĐT nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Bảo vệ cơ quan cho biết, vài giờ trước khi xảy ra vụ án có một người đàn ông đến hỏi đường và có mời ông uống một ly nước, uống xong ông ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy, ông mới biết mình bị chuốc thuốc mê.
Khám nghiệm hiện trường cho thấy, một loạt ổ khóa, két sắt bị cắt bởi một đường thẳng rất ngọt. Trong lúc đang đau đầu để tìm ra thủ phạm tại ngân hàng TMCP Việt Á (chi nhánh tại Đà Nẵng, đường Hùng Vương) tiếp tục xảy ra vụ một cướp. Tài sản bị mất khoảng 7,5 tỉ đồng. Thời điểm trên, số tiền này là quá lớn.
Theo hồ sơ, vào rạng sáng 16/7/2005, kẻ gian phá cửa khống chế, đánh bảo vệ ngân hàng TMCP Việt Á gãy 6 xương sườn và phá két sắt để lấy tài sản. Kết quả điều tra cho thấy, quá trình phá két sắt bằng bình gió đá, đối tượng để khói bốc ra, khiến người dân khu vực xung quanh tưởng có cháy.
Gã trộm, cướp tiền tỉ Nguyễn Văn Hùng.
Lúc đó, mọi người chạy đến đập cửa báo cho bảo vệ ngân hàng, nhưng từ bên trong, đối tượng to gan nói vọng ra "Biết rồi", khiến người dân không hề biết đang xảy ra vụ cướp táo tợn. Tới giờ làm việc, nhân viên ngân hàng phát hiện bảo vệ đang nằm ú ớ trong phòng vệ sinh. Qua khai thác, bảo vệ cung cấp, tên cướp có dáng to cao, nói giọng miền Trung, bịt mặt. Tại hiện trường còn vương lại một mẩu thuốc Dunhill hút dở, có thể do hung thủ vứt lại. Xác định đây là manh mối duy nhất của vụ án, ngay lập tức PC54 tiến hành lấy mẫu gửi đi giám định.
Trước hai vụ án táo tợn gây chấn động dư luận này, phòng Cảnh sát hình sự Đà Nẵng quyết định xác lập chuyên án mang bí số 33C. Trong khi chưa tìm ra tung tích đối tượng thì đầu tháng 3/2006, một vụ cướp táo tợn, với phương thức tương tự tiếp tục xảy ra tại tiệm nữ trang cao cấp Thanh Nhàn, lớn nhất nhì Đà Nẵng. Kẻ trộm đã "cuỗm" đi 20kg vàng. Đặc biệt, kẻ trộm bị người giúp việc phát hiện, nhưng đối tượng đã bịt miệng, đe dọa rồi nhốt người giúp việc vào phòng tắm trước khi tẩu thoát. Đối tượng đã vô hiệu hóa camera của tiệm vàng bằng cách cắt đứt dây ngoài trước khi hành động.
Cả ba vụ liên tiếp xảy ra nhưng dấu vết thì quá mờ nhạt khiến Công an Đà Nẵng như "ngồi trên đống lửa". Qua phân tích, cả ba vụ cướp có phương thức đột nhập tương tự, khống chế người và dùng bình gió đá cắt két sắt, nên Cơ quan điều tra nhận định khả năng do một nhóm đối tượng gây ra. Chuyên án 33C được chuyển thành chuyên án 115C, với quyết tâm sẽ đưa nhóm tội phạm này ra trước ánh sáng, trấn an dư luận Đà Nẵng.
Xác định ADN qua mẩu thuốc lá
Đại tá Phúc nhớ lại: "Trong các vụ trộm này, đối tượng gây án rất chuyên nghiệp, thủ đoạn táo tợn, tinh vi và luôn chủ động xóa dấu vết trước khi rời khỏi hiện trường. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cán bộ PC54 cố gắng rà lại các manh mối, dù mong manh nhất và chọn ra 3 chi tiết nhỏ: Dấu vân tay mờ trên cửa sổ tiệm vàng, một mẩu đầu lọc điếu thuốc lá Dunhill ở ngân hàng và hình ảnh người đàn ông mang đồng hồ trên tay phải thu được từ camera tiệm nữ trang Thanh Nhàn để tìm nút thắt, phục vụ cho quá trình điều tra, phá án...".
Thời điểm trên, qua nắm bắt tình hình, các trinh sát thấy Nguyễn Văn Hùng (tức Bốn, Cự, SN 1957, ngụ tổ 83, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cùng một số đối tượng khác thường xuyên tổ chức đánh bạc với số tiền lớn, sử dụng loại tiền mệnh giá 500 ngàn đồng. Tập trung xác minh, trinh sát được biết thời gian này Hùng hay thua bạc, có khi lên đến cả tỉ đồng. Mỗi lần như vậy, Hùng lại đi đâu đó vài ba hôm rồi quay về chơi tiếp. Bản thân Hùng đang vô công rồi nghề. Sự bất minh về kinh tế của Hùng khiến các trinh sát đặt nhiều nghi vấn.
Để đối tượng không nghi ngờ (Do Hùng chưa có tiền án, tiền sự), cơ quan công an đã cho mời Hùng cùng hàng trăm đối tượng hình sự trên địa bàn thành phố đến trụ sở để lấy danh chỉ bản. Sau khi giám định 880 chỉ bản của các đối tượng nghi vấn nêu trên, trong đó có Hùng, bằng phương pháp loại trừ, cuối cùng 5 chỉ bản của đối tượng nghi vấn cao nhất được mang đi giám định. Kết quả, PC54 xác định, vân tay của Hùng trùng khớp với vân tay để lại hiện trường vụ cướp tiệm vàng và ngân hàng.
Đại tá Phạm Phúc kể lại: "Làm cách nào để đưa Hùng vào tròng cũng không phải dễ vì yêu cầu của ban chuyên án là phải thu hồi khối tài sản bị trộm, hạn chế thấp nhất khả năng đối tượng tẩu tán...".
Do đó, ngày 12/4/2006, tổ trinh sát bí mật vào vai thợ sửa điện, nhập cuộc tại sòng bạc mà Hùng hay chơi trên đường Nguyễn Tất Thành. Tại đây, Cơ quan điều tra bắt quả tang Hùng cùng với 10 người đang sát phạt nhau. Những ngày sau, khi đồng bọn đang chắc mẩm Hùng bị bắt vì hành vi đánh bạc, thì trong trại tạm giam, các điều tra viên đang đấu tranh với Hùng để khai thác thông tin về ba vụ cướp do đối tượng gây ra.
Đại tá Phạm Phúc cho biết thêm, với chứng cứ trưng ra, phải mất thêm hai tháng, kết hợp đấu trí cùng với việc lấy mẫu máu, tóc, nước bọt của Hùng đi giám định ADN, Hùng mới chịu nhận tội. Hùng khai đồng bọn cùng tham gia trộm, cướp với Hùng gồm Nguyễn Thị Đá (SN 1963, vợ Hùng), Nguyễn Thị Xoa (SN 1964, em gái Hùng, ngụ phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) nơi Hùng gửi 2 hòm vàng, Nguyễn Đăng Thanh (SN 1983, Thanh Cu Búa, con riêng của vợ Hùng, đồng phạm trực tiếp thực hiện các vụ cướp), Nguyễn Đình Nhã (SN 1960, ngụ phường Xuân Hà, quận Thanh Khê), nơi Hùng giấu các phương tiện để phá két sắt.
Tại cơ quan CSĐT, Hùng khai nhận, từ năm 2003-2006, số vàng bạc cướp được, Hùng mang vào TP.HCM, Vũng Tàu tiêu thụ, lấy tiền đánh bạc, sắm vật dụng cá nhân, số còn lại mang về cất giấu cho đến khi bị bắt. Từ lời khai của Hùng, cơ quan chức năng đã thu giữ số lượng lớn tiền mặt và nhiều tài sản đắt tiền mà Hùng mua sắm; đặc biệt toàn bộ số kim cương, hột xoàn và hơn 10kg vàng, bạch kim... cướp ở tiệm vàng Thanh Nhàn, Hùng mang lên vùng núi ven thành phố chôn giấu...
Chủ tịch nước bác đơn xin giảm án
Ngày 25/4/2007, TAND TP. Đà Nẵng đưa ra xét xử và tuyên phạt Hùng mức án tử hình về hành vi cướp tài sản; Nguyễn Đăng Thanh 18 năm tù giam và Nguyễn Thị Đá 8 năm tù. Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng sau đó cũng đã tuyên y án đối với Nguyễn Văn Hùng. Ngày 21/7/2007, Nguyễn Văn Hùng có đơn gửi Chủ tịch nước xin giảm án. Ngày 13/6/2008, Chủ tịch nước đã bác đơn xin giảm án của Nguyễn Văn Hùng. Ngày 1/7/2008, tử tù Nguyễn Văn Hùng đã phải trả giá cho hành vi phạm tội của mình.
Theo ĐSPL