News

6/recent/ticker-posts

“Đàn bà mà đọc Trang Hạ chỉ tổ hư người. Ai cũng như cô ấy thì xã hội loạn”

"Ban đầu tôi gửi cho chồng đọc bài viết của chị. Chồng tôi đọc xong gạt phắt đi “Đàn bà mà đọc Trang Hạ chỉ tổ hư người. Ai cũng như cô ấy thì xã hội loạn”, nhà thơ Trương Xuân Thiên viết trong thư của vợ "con lợn đặc biệt" gửi nhà văn Trang Hạ.
Nhà văn Trang Hạ với phát ngôn không giống ai cách đây khá lâu: “Đàn ông về nhà chỉ có ăn - tắm - ngủ thì khác gì con lợn! Muốn chứng minh đàn ông được vợ chăm sóc không phải như... chăm lợn, thì các ông hãy xắn tay rửa bát đi”.

Nhà văn Trang Hạ.

Ngay khi được đăng tải, có rất nhiều ý kiến trái chiều tranh luận gay gắt nổ ra trên mạng xã hội.
Mới đây, nhà thơ Trương Xuân Thiên đã viết thư của vợ "con lợn đặc biệt" gửi nhà văn Trang Hạ và lập tức làm dậy sóng dư luận.
Sau đây là nguyên văn lá thư của vợ "con lợn đặc biệt" gửi nhà văn Trang Hạ do nhà thơ Trương Xuân Thiên viết:
Thưa chị Trang Hạ
Tôi là một người đàn bà làm nghề nội trợ. Và khi nghe chị phát ngôn đàn ông đi làm về chỉ biết ăn ngủ và tắm, không biết làm gì khác, thì chẳng khác gì con lợn, tôi thấy hả hê lắm!
Suốt ngày quanh quẩn nơi xó bếp tối, mãi rồi thành quen, đến nỗi tôi cứ cho rằng đó là thiên chức của mình. Điều lạ lùng là tất cả bạn bè tôi đều cho rằng tôi mới là người phụ nữ sung sướng và hạnh phúc.
Sống lâu trong sự hạnh phúc giả tạo ấy, tôi có cảm giác phục dịch người đàn ông của mình là một trách nhiệm không thể thoái thác.
Và người chồng của tôi, mà từ đây tôi xin phép được gọi là “con lợn đáng yêu” của tôi, nghiễm nhiên hưởng thụ sự chăm sóc ấy như một đặc quyền mà giới tính đã quy định.
Dậy sóng vì lá thư của vợ "con lợn đặc biệt" gửi nhà văn Trang Hạ - Ảnh 2

Nhà thơ Trương Xuân Thiên.

Trong khi tôi đầu tắt mặt tối lo cơm nước, lau nhà rửa bát, chăm sóc con cái thì “con lợn đáng yêu” nhà tôi xem ti vi và đọc báo.
Điều đó còn là may mắn, bởi nhiều hôm tôi đã chuẩn bị cơm nước xong xuôi nhưng “con lợn đáng yêu” còn chẳng buồn về nhà ăn, chỉ gửi một tin nhắn “Anh bận tiếp khách” rồi đi miết đến nửa đêm mới về.
Khi đó người ngợm toàn mùi rượu, chẳng buồn tắm mà chỉ kịp đặt lưng xuống giường là ngáy “o o” như kéo gỗ. Những lúc ấy tôi bất lực chỉ muốn khóc.
Thực tình trước đây, khi đang còn yêu nhau, “con lợn” nhà tôi đáng yêu lắm. Ngày nào hắn cũng mua hoa tặng tôi, cũng nói những lời yêu thương mà đến bây giờ nhớ lại tôi vẫn cảm thấy bồi hồi.
Hễ có dịp ở bên nhau,“thú cưng” lại tự tay vào bếp làm những món mà tôi thích. Thế nhưng đàn ông và con lợn giống nhau ở chỗ bản chất dần bộc lộ trong quá trình chung sống.
Khi còn yêu nhau “con lợn đáng yêu” của tôi mới là một công chức quèn, lương ba cọc ba đồng. Khi ấy tôi đi làm đồng lương còn cao hơn cả anh ấy, mặc dù thu nhập cả hai đứa cũng chẳng được bao nhiêu.
Thế rồi từ khi cưới nhau, tôi bận bịu với việc mang bầu.
Vừa đẻ đứa đầu chưa đầy 2 tuổi lại mang thai đứa thứ thứ 2, công việc nhà không có người chia sẻ nên tôi phải nghỉ việc ở nhà trông coi việc gia đình và chăm sóc con cái.
Trong khi đó “con lợn đáng yêu” nhà tôi càng ngày càng thăng tiến. Từ một nhân viên thành trưởng phòng.
Và càng thăng tiến trong công việc, chồng tôi càng đi sớm về muộn, càng gia trưởng và tuyệt nhiên không bao giờ đụng tay đụng chân vào việc nhà.
Tôi sống giữa ngôi nhà của mình mà chẳng khác gì người giúp việc. Còn chồng tôi trở thành một “con lợn đặc biệt”, “con lợn” có quyền ra lệnh cho người chăm sóc và quyết định mọi chuyện trong gia đình.
Nhiều dịp tôi cũng mong mình can đảm đứng lên phản đối, muốn trở lại với công việc và yêu cầu chồng chia sẻ công việc nhà. Thế nhưng nghĩ đến cảnh một nách 2 con, nghĩ đến sự thay đổi lại đành lòng cam chịu.
Buồn nhất là những lúc đó cả bố mẹ đẻ lẫn bố mẹ chồng đều cực lực phản đối.
Còn bạn bè tôi đều bảo: “Mày điên à, chẳng ai được sung sướng như mày, đi làm liệu có đủ tiền thuê người giúp việc không, ở nhà chồng nuôi lại có dịp gần gũi con cái như mày là sướng nhất rồi…”.
Chỉ nghe đến đó thôi là tinh thần đấu tranh của tôi đã trôi tuột đi đâu hết.
Hôm nọ, khi đọc được bài viết của chị cái tinh thần đấu tranh ấy lại được nhen nhóm trong tôi. Lần này tôi quyết tâm đấu tranh đến cùng. Quyết không cam chịu mãi ách cai trị của "con lợn đáng yêu".
Ban đầu tôi gửi cho chồng đọc bài viết của chị. Chồng tôi đọc xong gạt phắt đi “Đàn bà mà đọc Trang Hạ chỉ tổ hư người. Ai cũng như cô ấy thì xã hội loạn”.
Thế nhưng lần này tôi quyết không lùi bước, tôi cãi:
“Anh đi làm được thì tôi cũng đi làm được, còn công việc nhà thì 2 vợ chồng mình cùng làm, tôi nấu cơm thì anh rửa bát, tôi cho con bú thì anh cho con tắm. Bây giờ nam nữ bình đẳng anh ạ”.
Nghe thế chồng tôi bỉu môi: “Gia đình đang yên ổn em đọc mấy thứ tà văn ấy làm đảo lộn lên hết là sao?
Không có chuyện thay đổi gì hết, nếu em cảm thấy không kham được thì thuê người giúp việc. Anh đi làm vất vả cả cả ngày về nhà cần phải nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng”.
Mặc dù chồng tôi nói kiên quyết như vậy nhưng tôi cũng không dễ đầu hàng. Tôi đem tâm tư ấy nói lại với mẹ đẻ.
Tưởng có thêm đồng minh ai ngờ mẹ tôi tiếp tục dội cho gáo nước lạnh: “Chồng con nói có lí đấy. Làm con gái đừng đọc văn Trang Hạ.
Mẹ ở với bố bao nhiêu năm vừa đi làm vừa nuôi mấy chị em mày mà có kêu ca lời nào đâu.
Chả lẽ mày thích nhìn thấy chồng mày thay vì ngồi sau vô lăng giao thiệp với bạn bè lại chui vào xó bếp đánh quần cộc nhặt rau muống à?”.
“Nhưng mẹ ơi, thời này khác ngày xưa rồi, bây giờ “đàn ông mà chỉ về nhà ăn với ngủ thì chẳng khác gì con lợn”. Con cái là của chung chứ có phải của mỗi phụ nữ đâu”.
Nghe tôi cãi lí như vậy mẹ tôi càng nói phũ: “Cái ngữ đàn bà gọi chồng là con lợn thì không đáng được hạnh phúc đâu.
Gọi chồng mình là con lợn đã không chấp nhận được nói gì đến gọi đàn ông trong thiên hạ, khối người còn đáng tuổi cha chú chúng mày.
Xã hội nó không như chúng mày nghĩ, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Bình đẳng là ai làm đúng phận sự của người đó chứ không phải chia đều công việc đâu con ạ”.
Mặc dù mẹ tôi nói thế nhưng tôi vẫn cãi bằng được:
“Mẹ nói gì thì nói, nhưng con nhất quyết đi làm, không lo được việc nhà thì thuê osin, còn không nữa về nhà mỗi người một việc, con chán sống thế này lắm rồi, con không thể mãi hầu hạ một “con lợn” dù đáng yêu trong nhà”.
Đến lúc này thì mẹ tôi không còn bình tĩnh được nữa, bà lớn tiếng:
“Mày nói thế khác gì mày bảo bố mày cũng thế, khi người đàn bà yêu thương gia đình thực sự thì chuyện nấu cơm rửa bát mà chúng mày đang kêu toáng lên nó là niềm vui, là hạnh phúc đấy con ạ”.
Nghe mẹ tôi nói thế, không biết chị Trang Hạ có thể cho tôi lời khuyên như thế nào đây? Tôi phải làm gì để có thể thoát khỏi kiếp hầu hạ một người chồng không khác gì một lão Trư?
Ngay khi chia sẻ trên Facebook cá nhân của mình, bức thư đó của nhà thơ Trương Xuân Thiên đã nhận được rất nhiều lượt like và bình luận.
Dậy sóng vì lá thư của vợ "con lợn đặc biệt" gửi nhà văn Trang Hạ - Ảnh 3

Nhà thơ Trương Xuân Thiên: "Đàn ông lười việc nhà và có những thói xấu rất phổ biến nhưng phát ngôn của Trang Hạ vẫn bị phản ứng".

Một bạn đọc nhận định: "Nhờ một câu phát ngôn bừa bãi của nhà văn Trang Hạ mà rất nhiều nhà phê bình văn học tuyệt vời xuất hiện".
Bạn Triệu Thạch Lam lên tiếng: "Cách phát ngôn như của Trang Hạ đang gây hiệu ứng ngược. Em là phụ nữ, cũng cá tính phết, nhưng em không thích kiểu phát ngôn gây sốc để thu hút độc giả. Trong truyền thông, còn nhiều cách chạm vào trái tim con người để làm thay đổi cách nghĩ và thói quen xấu lắm cơ mà".
Trước ý kiến của một độc giả: "Toàn là anh hùng bàn phím! Bài viết của nhà văn Trang Hạ chỉ nêu lên hiện trạng một bộ phận "ông chồng lười - ko chịu chia sẻ việc nhà với vợ"! Tuy lời văn có mạnh một chút, nhưng đâu có vơ đũa cả nắm đâu??? Chỉ có "các con lợn" mới phản ứng bài viết của Trang Hạ như thế. Còn những người chồng yêu vợ, chả ai động lòng!".
Nhà thơ Trương Xuân Thiên thẳng thắn đáp trả: "Đàn ông lười việc nhà và có những thói xấu rất phổ biến nhưng phát ngôn của Trang Hạ vẫn bị phản ứng. Nếu chỉ dăm nguời thì đó là anh hùng bàn phím nhưng cả triệu nguời lên tiếng thì đó là dư luận xã hội. Mà ở đây Trang Hạ đóng vai trò người thách thức dư luận xã hội".
LINH SAN