Đó là nhận xét của Henry Greely, giáo sư đại học Stanford (Hoa Kỳ). Theo ông, trong 20 năm nữa, đa số trẻ con sẽ ra đời từ trong phòng thí nghiệm bằng cách “thiết kế trẻ em” mà không bằng sex (quan hệ tình dục).
Henry Greely hiện là giám đốc Trung tâm luật và khoa học ứng dụng sinh học của đại học Stanford, một trong những đại học danh giá nhất nước Mỹ.
Trong cuốn sách của mình có tên The End of Sex and the Future of Human Reproduction (tạm dịch: “Kết thúc quan hệ tình dục và tương lai sinh sản con người”), ông nói: “Trong vòng 20 – 40 năm tới, khi một cặp vợ chồng muốn có con, người chồng sẽ cung cấp tinh trùng và người vợ sẽ cho một mẫu da”.
Theo Greely, mẫu da của phụ nữ sẽ được sử dụng để tạo ra tế bào gốc, sau đó đến lượt mình những tế bào này được dùng để tạo ra trứng.
Tiếp theo trứng được thụ tinh với tinh trùng để cho ra 100 phôi phục vụ cho việc chọn lựa phôi tốt nhất.
GS Greenly tiên đoán người ta sẽ nghiên cứu những phôi này để xem chúng có mang bất kỳ bệnh tật nào hay không.
“Người ta sẽ nói với những ông bố bà mẹ này, “Năm phôi thật sự có những bệnh rất nặng và ông bà chắc chắn không cần đến chúng. Trong 95 phôi còn lại, có phôi mang bệnh này hoặc bệnh kia, ít nhiều tùy phôi”, Greenly nói.
Sau khi cân nhắc các mặt lợi hại có thể của những phôi khỏe mạnh, bố mẹ sẽ chọn ra một phôi để cấy vào phụ nữ và đó sẽ là con của họ.
GS Greenly cho biết: “Người ta sẽ phân nhóm bào thai cho bố mẹ. Một nhóm phôi mang những bệnh nghiêm trọng, không thể điều trị được. Nhóm phôi này chiếm 1 – 2 %. Một nhóm khác mang những bệnh khác.
Nhóm thứ ba liên quan đến thẩm mỹ: tóc tai, mắt mũi, hình dáng, khi nào thì tóc bị bạc. Chúng ta chưa biết nhiều về chuyện này, nhưng chúng ta sẽ biết được. Nhóm thứ tư liên quan đến hành vi, ứng xử.
Tôi nghĩ thông tin ở đây sẽ có giới hạn. Chúng ta sẽ không thể nói, “Đứa trẻ này trong nhóm đầu 1% thông minh”. Nhưng chúng ta có thể nói, “Đứa trẻ có 60% khả năng thuộc nhóm nửa trên””.
Với những hiểu biết ngày một nhiều về bộ gien và khả năng tạo ra tế bào trứng từ mẫu da, việc thu hoạch trứng một cách khó khăn bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm hiện nay chỉ còn là chuyện của quá khứ.
Thêm vào đó, GS Greely tin rằng cách này có thể giảm được hậu quả của những bệnh di truyền và việc cho ra đời những trẻ không lành mạnh, điều đó có nghĩa tiến trình này có thể được xem xét về mặt chi phí-hiệu quả.
Ông tin rằng giải pháp này có thể trở thành chuẩn mực để giúp phụ nữ không còn phải mang thai theo cách tự nhiên, điều có thể được đánh giá là không có trách nhiệm.
“Đặc biệt ở những đất nước mà bạn chi trả chi phí sức khỏe mang tính xã hội khi một đứa trẻ ra đời bằng cách tự nhiên và có vấn đề về sức khỏe. Khi đó nó có thể gây ra một sự kỳ thị.
Người ta sẽ nói, “Các bạn vui vẻ rồi có một đứa con mang bệnh di truyền hiếm gặp Tay-Sachs. Giờ đây đến phiên chúng tôi phải trả chi phí chữa bệnh mà chúng tôi không chịu trách nhiệm”.
Những gì GS Greely dự báo xem ra cũng có lý, nhưng kỹ thuật này cũng gây những tranh cãi. Một trong những hậu quả của nó là sẽ không còn hàng rào thật sự nào trong việc làm ra tinh trùng từ tế bào da phụ nữ hoặc trứng từ tế bào da nam giới.
Trong khi điều này sẽ là tin tốt lành cho những cặp đồng tính vì như thế họ sẽ có con mang chất liệu di truyền của chính họ.
Và còn một khả năng khác, GS Greely nói: “Điều gì sẽ xảy ra nếu một phụ nữ quyết định làm ra trứng và tinh trùng từ chính mình sau đó chuyển chúng vào trong tử cung của chính họ? Tôi không nghĩ nhiều người muốn làm chuyện này, nhưng thế giới to lớn, điều gì cũng có thể xảy ra”.