News

6/recent/ticker-posts

Cấm người đẹp đạt giải chụp ảnh nude: Á hậu Hoàng My lên tiếng

Từ Israel, Á hậu Vũ Hoàng My gửi Zing.vn bài viết về quan điểm của cô trước thông tin Bộ VHTTDL ban hành thông tư cấm những người đẹp đoạt danh hiệu chụp hình không mặc quần áo.
Lúc trước có một lần tôi khuyên các bạn thí sinh hoa hậu không nên chụp hình cởi hở vì rút ra từ chính kinh nghiệm bản thân. Trong lần tập chụp hình đầu tiên, người nhiếp ảnh gia nói tôi cởi áo trong ra, sau đó nói cởi luôn áo ngoài.
Lúc đó tôi không thoải mái, diễn xuất còn ngây ngô, chưa hiểu về nude và cũng chưa biết trình độ của người chụp hình thế nào nên từ chối.
Khi tôi có được danh hiệu Á hậu I Hoa Hậu Việt Nam 2010, những bức ảnh trông rất ngố lúc thực tập chụp hình bị tung lên mạng. Lúc đó tôi thở phào, cũng may là tôi đã có can đảm từ chối cởi.

Đó là kinh nghiệm giữ gìn hình ảnh khi chưa hiểu gì lắm về showbiz. Tôi không muốn các em một ngày sẽ hối tiếc vì sự ngây ngô của mình.
Nude là một nghệ thuật
Còn đối với những người đã có bề dày làm việc trước ống kính cách chuyên nghiệp như hoa hậu, người mẫu, nghệ sĩ biểu diễn, nếu họ có ê-kíp tốt và tin tưởng thì chụp ảnh nude là một quyền tự do và nude nên được công nhận và tôn trọng vì đó là một nghệ thuật.
Vũ Hoàng My đoạt danh hiệu Á hậu Việt Nam 2010. Cô là đại diện Việt Nam đầu tiên tham gia hai cuộc thi nhan sắc lớn nhất hành tinh: Miss Universe (2011), Miss World (2012). Ảnh: Brian
Tôi viết những điều này vì 4 lý do. Thứ nhất tôi cảm thấy mình bị xâm phạm quyền tự do cá nhân. Tôi không muốn một ngày bị gắn mác "phạm pháp" vì muốn lưu lại vẻ đẹp tuổi thanh xuân, và cũng không muốn bị tước quyền tham gia vào môn nghệ thuật nude.
Thứ hai, nó ảnh hưởng và hạn chế sự sáng tạo của những người làm nghệ thuật (nghệ sĩ, người mẫu, diễn viên, nhiếp ảnh, nhà làm phim…).
Thứ ba, tôi không rõ luật mới với mục đích giải quyết vấn đề gì của xã hội? Việc các nghệ sĩ, người mẫu và người đẹp có danh hiệu chụp ảnh nude sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam? Là vi phạm đạo đức và thuần phong mỹ tục?
Hay luật sẽ ngăn chặn tệ nạn hiếp dâm hoặc đường dây mại dâm cao cấp? Cuối cùng, tôi muốn ủng hộ và bảo vệ một thứ mà tôi cho đó là nghệ thuật - nghệ thuật nude. Vậy thế nào là nude và thế nào là khiêu dâm?
'Tôi cảm nhận khi tôi thấy nó'
Vào năm 1964 tại Mỹ, khi phải phân xử một vụ kiện tụng về một bộ phim là nghệ thuật hay là một khiêu dâm, vị thẩm phán tối cao Potter Stewar đã có một câu nói nổi tiếng "Có thể hôm nay và cũng không bao giờ tôi định nghĩa một cách chính xác đây là khiêu dâm hay nghệ thuật, nhưng tôi cảm nhận được khi tôi thấy nó".
Sau một vài lần luật được sửa đổi, vào năm 1973, tại California, Mỹ, khiêu dâm được định nghĩa qua ba tiêu chí: "thứ nhất, những người bình thường, theo chuẩn mực của địa phương, nhìn vào toàn bộ tác phẩm phải thấy rằng nó tác động theo ý nghĩa dâm dục.
Thứ hai, tác phẩm mô tả, miêu tả rõ ràng theo một cách xúc phạm các hành vi tình dục hoặc các bộ phận bài tiết. Thứ ba, tác phẩm thiếu các giá trị văn học, nghệ thuật, chính trị, khoa học".
Trên thực tế cho đến thời điểm này, dân trí và độ thưởng thức chung của con người trong đó có cả người Việt Nam đã nâng cao nên việc phân biệt nude hay khiêu dâm không phải là không thể. 

Khi đáp máy bay xuống Paris, thứ đầu tiên đập vào mắt tôi là những tờ tạp chí mà hình bìa là những cô gái khoả thân 100%. Điều đó không làm người Pháp hay Paris rẻ tiền đi trong mắt thế giới, bằng chứng là những cái tên đẹp đẽ, những lời tán dương và những nhân tài được sinh ra hay được quy tụ về đây.
Còn tại Israel, một đất nước trong trung tâm khu vực Trung Đông mà chúng ta nghĩ rằng hẳn nude sẽ bị coi là kinh tởm và khinh bỉ thì không có một luật nào cấm về việc không mặc quần áo, thậm chí có một bãi biển tại Kibbutz Ga'ash nơi người ta có thể tự do khoả thân.
Tuy nhiên nếu việc một người không mặc quần áo hay có những hành động tục tĩu khiến người khác cảm thấy bị quấy rối, hoặc quan hệ tình dục nơi công cộng, sẽ bị cảnh sát tống giam.
Vẻ đẹp thực sự sẽ được tôn vinh
Một đứa trò giỏi khi làm sai rồi rút ra kinh nghiệm. Những đứa con giỏi khi chúng vấp ngã rồi đứng lên. Một người phụ nữ ăn mặc phản cảm tự thân họ sẽ học được cần điều chỉnh khi nhận được phản ứng của người xung quanh.
Bằng chứng là chúng ta không thấy nhiều việc các nữ nghệ sĩ bị phạt đi phạt lại vì một lỗi ăn mặc phản cảm (mặc dù có những trường hợp tôi cho là bị oan do tai nạn).
Chính họ cũng tự nhận thức được giá trị bản thân với chính mình và với công chúng để không tái phạm. Những nghệ sĩ khác cũng thấy bài học từ họ mà rút ra.
Bàn về nude đẹp hay nude xấu, để một môn nghệ thuật được phát triển thì nên cởi mở chấp nhận những sản phẩm phản cảm kém chất lượng trước, sau đó mới sẽ có những tuyệt tác nghệ thuật thăng hoa.
Nếu nó đẹp tự nó sẽ được tôn vinh, nếu nó xấu, người tạo ra nó sẽ chịu tổn hại về danh tiếng. Đó là cái giá phải trả và công chúng chính là những vị thẩm phán cao nhất.
Cấm cản là cách tốt nhất để con cái, học trò, xã hội, thậm chí là một dân tộc ngừng tự do sáng tạo. Tai hại hơn khi vì 80% học sinh làm chưa tới nơi mà cấm luôn 20% học sinh tài năng thực hiện nó.

Thế giới này được thúc đẩy, cơ bản nhất là từ sự hấp dẫn giới tính. Đó là lý do vì sao hoa có sắc để thu hút ong bướm, phụ nữ cần đẹp để thu hút mày râu, còn đàn ông thì vì phụ nữ đẹp mà chinh phục thế giới.
Đó là một lẽ của tự nhiên. Khi nào còn chưa chấp nhận được điều đó thì con người còn bị mắc kẹt và mâu thuẫn giữa những thứ thuộc tự nhiên trong con người và những luật lệ bên ngoài.
So với vô vàn tuyệt tác thì cơ thể người phụ nữ là tuyệt tác hoàn hảo nhất. Thế vì lý gì mà họ bị tước quyền lưu lại?
Thông tư 01/2016 mới ban hành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 15 và 79 của Chính phủ về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.
"Các hành vi người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; người đạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được thực hiện gồm: Chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông." – mục 1a, điều 3 của thông tư quy định.
Bên cạnh đó, thông tư cũng chỉ rõ giới hoạt động biểu diễn nghệ thuật không được có hành động, phát ngôn không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam, vi phạm quy định của pháp luật và vô ý hoặc cố ý phổ biến trên phương tiện truyền thông hoặc ngoài xã hội gây hậu quả xấu.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Đăng Chương – Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: "Quy định này được áp dụng đối với cả nghệ sĩ trong nước lẫn nghệ sĩ nước ngoài hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở trong nước. Thông tư này điều chỉnh cả hoa hậu, người mẫu đoạt giải trong các cuộc thi nước ngoài chứ không chỉ trong các cuộc thi ở Việt Nam".