News

6/recent/ticker-posts

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội chưa tin "dê xồm" lộng hành trên xe bus

Hiện nay, vấn đề quấy rối tình dục trên xe bus đang trở thành một vấn nạn. Sự đông đúc, chen lấn trên xe bus là “cơ hội” cho những kẻ biến thái “hành sự” khiến các phương tiện công cộng vốn được cho là an toàn trở thành nơi nguy hiểm, đáng sợ của nữ giới, đặc biệt là các nữ sinh.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội vừa chỉ đạo Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) nghiên cứu thí điểm tuyến xe bus dành riêng cho phụ nữ. Ý tưởng này đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia.

Nhiều nữ sinh ám ảnh khi bị quấy rối tình dục trên xe bus (ảnh minh họa).

Kinh hoàng những kẻ biến thái trên xe bus
Chia sẻ với PV, Nguyễn Thị D. (quê Phú Thọ, sinh viên năm 2 đại học Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ, phải dùng đến hai chữ “khiếp sợ” khi nói về những tên “dê xồm” trên xe bus.
Do nhà trọ ở xa trường, không có Xe máy nên D. phải đến trường bằng xe bus. D. cho biết: “Những hôm em lên xe sớm, còn ghế ngồi thì không sao chứ hôm nào đứng chen chúc thì y như rằng bị những kẻ khác cố tình “đụng chạm”. Xe chật, người đông, dù mình có phản ứng lại cũng không được. Những lúc này, em phải lách vào khu vực có nhiều bạn nữ để tự cứu lấy mình. Nguy cơ bị quấy rối nhiều nhất là buổi tan tầm. Thậm chí có hôm một bạn nữ trường em còn bắt tận tay một nam sinh khác đi cùng trên tuyến 32 lợi dụng đông người để sờ soạng”. Sinh viên này cho biết, cô ủng hộ ý tưởng xe bus dành riêng cho phụ nữ.
Cũng có một thực tế là khi bị “yêu râu xanh” sàm sỡ, nhiều bạn gái sợ không dám kêu, bởi khi xuống xe dễ bị chúng trả thù. Sinh viên Hà Thị Mai, đại học Sư phạm 1 (Xuân Thủy, Hà Nội) cho biết, khi bị sàm sỡ, cô kêu lớn để người khác giúp đỡ nhưng không ai có hành động gì cả. Thậm chí, cô còn bị gã “dê xồm” đe dọa “mày thích chết thì cứ kêu”. Sợ quá, đến điểm xe buýt kế cận cô phải xuống xe để bắt xe sau. Trước tình cảnh ấy, giải pháp tốt nhất nếu đi sớm, về muộn là luôn cảnh giác và tìm phương án tự bảo vệ mình vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra, nhất là khi xe đông người.
Ngay sau cuộc khảo sát này, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có văn bản yêu cầu TP. Hà Nội và TP.HCM điều tra tại các địa điểm, tuyến xe bus thường xuyên xảy ra tình trạngquấy rối tình dục.
“Mặc dù kết quả khảo sát chỉ thực hiện trên một mẫu nhỏ là 2.046 người nhưng phần nào phản ánh được nguy cơ bị xâm hại về thân thể và nhân phẩm, gây tổn thương về tâm lý, tình cảm, sức khỏe của người phụ nữ khi sử dụng dịch vụ công cộng. Chúng tôi đã đề nghị hai thành phố trên triển khai các biện pháp cảnh báo, ngăn ngừa, tăng cường điện chiếu sáng và niêm yết số điện thoại công an sở tại, các thông điệp hướng dẫn cách ứng phó khi bị quấy rối tình dục trên xe bus”, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chia sẻ với PV báo Đời sống và Pháp luật.
Chưa có kế hoạch cụ thể về thời gian thí điểm
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng chỉ đạo Trancerco nghiên cứu thí điểm xe bus dành riêng cho phụ nữ. Theo đó, tại những khu vực đông nữ công nhân, học sinh, sinh viên nữ đi lại bằng xe bus, Transerco nghiên cứu thí điểm một số tuyến phục vụ riêng đối tượng này vào giờ cao điểm để hạn chế tình trạng quấy rối tình dục trên xe bus.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đã nhận được chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội về việc nghiên cứu thí điểm xe bus dành riêng cho phụ nữ. Tuy nhiên, về việc thời gian cụ thể baogiờ sẽ thí điểm chương trình này thì chúng tôi không thể định đoạt được. Bởi, Tổng công ty Vận tải Hà Nội chỉ là đơn vị thực hiện, còn mọi phương án, lộ trình cụ thể như thế nào tôi nghĩ rằng Sở GTVT sẽ đưa ra. Chúng tôi cũng đang chờ chỉ đạo của Sở”.
Khi PV đặt câu hỏi về tính khả thi của ý tưởng này, ông Trung cho biết, môi trường trên xe bus rất phức tạp, giống như một Xã hội thu nhỏ. Vào giờ cao điểm hàng ngày, tình trạng quá tải rất kinh khủng nên đã tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng trộm cắp, móc túi, thậm chí là quấy rối tình dục. Chính vì vậy, ý tưởng xe bus dành riêng cho phụ nữ để chống hành vi quấy rối tình dục chắc chắn sẽ được rất nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, việc này cần phải có lộ trình, phải được đánh giá cụ thể từ các cơ quan chức năng rồi mới nên đưa vào thí điểm.
Trả lời PV, ông Nguyễn Việt Triều, Phó Tổng giám đốc Tracerco cho biết, Tổng công ty đã thành lập phòng Chăm sóc khách hàng, tiếp nhận và giải quyết thông tin khách hàng phản ánh về chất lượng dịch vụ trên xe bus, trong đó có việc phản ánh về tình trạng quấy rối tình dục thông qua tổng đài, hoạt động từ 5h đến 23h hàng ngày. Các kênh thông tin khác cũng được triển khai như điện thoại đường dây nóng, website, hòm thư khách hàng, điện thoại đường dây nóng của Cảnh sát hình sự Công an TP.Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội. Tất cả các địa chỉ này đều được dán trên thành xe bus.
Chiều ngày 24/12, trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP. Hà Nội cho biết: “Sáng nay, tôi cũng có buổi làm việc với Trancerco về vấn đề này. Trong quá trình làm việc, Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho rằng, đây là ý tưởng nghe có vẻ rất đơn giản nhưng thực hiện rất khó. Chính vì thế, Sở và Trancerco sẽ phải bàn bạc lại trước khi lên kế hoạch cụ thể”.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.Hà Nội.

Cũng theo vị Phó Giám đốc Sở GTVT TP.Hà Nội, theo số liệu cập nhật trong 8 tháng gần đây mà Trancerco gửi lên Sở, đường dây nóng của Transerco nhận được 43.012 cuộc gọi phản ánh của khách hàng; Trong đó: Tư vấn dịch vụ xe buýt chiếm 89%, phản ánh chất lượng dịch vụ 3%, khen ngợi 1%, góp ý chất lượng dịch vụ 5%, thông tin khác 2%... Trong các cuộc điện thoại gọi đến chỉ có 5 cuộc gọi phản ánh về việc bị quấy rối tình dục, chiếm tỉ lệ rất nhỏ.
“Theo tôi, chưa có cơ sở để khẳng định Tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Giới, gia đình và Môi trường cho rằng có 31% nữ sinh khi được hỏi nói rằng bị quấy rối tình dục là chính xác. Bởi, số mẫu khảo sát họ lấy ra quá ít so với lượng khách sử dụng phương tiện xe bus hiện nay. Với lại, họ chưa nói được rằng quấy rối tình dục ở đây được hiểu như thế nào? Có thể trên xe chật chội, ai đó vô tình chạm vào người khác lại bị quy kết cho là quấy tình dục thì sao”, ông Linh nói.
31% nữ sinh đã từng bị quấy rối tình dục trên xe bus
Được biết, theo cuộc khảo sát, thống kê mới nhất của Tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường tại TP. Hà Nội và TP.HCM, trong 2.046 người có tới 57% phụ nữ (từ 16 tuổi trở lên) được hỏi cho rằng, đường phố được coi là nơi có nguy cơ xảy ra các vụ quấy rối tình dục cao nhất, trong đó có 31% nữ sinh đã từng bị quấy rối tình dục trên xe bus. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, những điểm công cộng khác mà phụ nữ có nguy cơ bị quấy rối tình dục là bến xe, công viên, nhà chờ xe bus.
Xã hội còn thờ ơ trước hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng
Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam, hiện nay có tình trạng, chính những người xung quanh cũng làm ngơ trước hành vi của kẻ xấu. Có tới 20% người chứng kiến hành vi quấy rối tình dục không có hành động gì. Chính sự thờ ơ, im lặng đó càng tiếp tay cho những kẻ quấy rối tình dục tiếp tục hành vi của mình. Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc sở GTVT TP.Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cho rằng: “Năm nào chúng tôi cũng có chương trình đi đến các trường đại học - cao đẳng trên địa bàn để tuyên truyền đến các sinh viên về việc sử dụng xe công cộng và có những biện pháp chống lại khi bị quấy rối tình dục. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nữ sinh khi bị quấy rối vì ngại, xấu hổ nên không dám lên tiếng. Điều này vô tình khiến những kẻ “dê xồm” có “đất” để thực hiện hành vi của mình”.
VĂN CHƯƠNG-TRẦN QUYẾT