Chị gái Huyền Như khóc lóc xin giảm nhẹ hình phạt
"Siêu lừa" Huyền Như vì rối quá nên nói nhầm biệt thự 43 tỷ là của mình
Xét xử “đại án bầu Kiên”: Những tình huống dở khóc, dở cười
Vào sáng 25/12, Tòa phúc thẩm, TAND Tối cao tại TP.HCM tiếp tục phần tranh luận trong phiên tòa xét xử “siêu lừa” Huyền Như và đồng phạm. Các luật sư, những người tham gia tố tụng sẽ tiếp tục phần bào chữa.
Luật sư Trương Thanh Đức mở đầu phần tranh luận, đưa ra luận cứ bảo vệ quan điểm của Ngân hàng Navibank. Tại bản án sơ thẩm, Navibank được xác định bị Huyền Như lừa đảo chiếm 200 tỷ đồng.
Báo Giao thông vận tải dẫn bản kết luận của VKS cho biết, tương tự như trường hợp của ACB, trước khi 4 nhân viên Navibank gửi tiền vào Vietinbank thì Navibank đã có chủ trương trái pháp luật, núp dưới hình thức cho nhân viên vay tiền để đem gửi vào Vietinbank lấy lãi suất chênh lệch.
4 nhân viên của Navibank nhận tiền từ Navibank trước, mở tài khoản tiền gửi thanh toán cá nhân chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi thanh toán, ký hợp đồng xong mang về hợp thức hóa bằng các hợp đồng tín dụng cho vay tiêu dùng giả tạo và không đúng quy định của pháp luật về cho vay.
Huyền Như tại phiên tòa phúc thẩm.
Navibank biết rất rõ những quy định về hoạt động và nghiệp vụ ngân hàng liên quan đến tiền gửi và hoàn toàn có khả năng kiểm tra, kiểm soát dòng tiền dù đã được gửi vào Vietinbank, nhưng những người được giao nhiệm vụ theo dõi, quản lý các khoản tiền này vì động cơ, lợi ích cá nhân nên họ đã bỏ mặc, không quan tâm.
Do đó, VKS cho rằng không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của Navibank và 4 nhân viên Navibank.
Theo ông Đức, bản án sơ thẩm xác định sai tư cách tham gia tố tụng của Navibank. Ông Đức cho rằng, Navibank tham gia phiên tòa xét xử Vụ án Huyền Như với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Quan điểm của VKS tại tòa phúc thẩm là Huyền Như phải chịu trách nhiệm trả tiền cho Navibank, ông Đức cho rằng, như vậy là không hợp lý so với đề nghị của VKS đối với các công ty: Hưng Yên, SBBS, Bảo hiểm toàn cầu…
Đối với nhân viên của Navibank, ông Đức cho rằng, họ có sai sót, nhưng những sai sót này ông Đức cho rằng không phải là nguyên nhân mất tiền….
Từ những luận cứ của mình, ông Đức đề nghị HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm đối với phần liên quan đến Navibank và nhân viên Navibank để điều tra lại.
Liên quan đến phần bào chữa cho bị cáo Huyền Như, Luật sư Nguyễn Văn Ngoan cho rằng Huyền Như không có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, tài sản Huyền Như chiếm đoạt không thuộc quyền quản lý, nên không phạm tội Tham ô tài sản.
Tại tòa phúc thẩm, đại diện VKS cho rằng, Huyền Như có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao; đồng thời VKS cũng đề nghị HĐXX hủy một phần bản án liên quan đến tội Chiếm đoạt tài sản của Huyền Như tại 5 công ty: Hưng Yên, SBBS, Toàn cầu… để điều tra hành vi Tham ô tài sản đối với Huyền Như.
VOV dẫn lời bào chữa của Luật sư Nguyễn Văn Ngoan cho biết, Huyền Như đã chấp nhận mức án được phán quyết tại tòa sơ thẩm. Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo không có kháng cáo, đồng thời cũng không có kháng nghị liên quan đến tội danh của bị cáo.
Việc tại tòa phúc thẩm, đại diện VKS đề nghị điều tra tội danh Tham ô tài sản đối với Như, ông luật sư cho rằng như vậy sẽ bất lợi cho bị cáo, điều này không đúng với quy định.
Với hành vi được VKS cho rằng có dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn, ông Ngoan lập luận, Huyền Như không có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, tài sản Huyền Như chiếm đoạt không thuộc quyền quản lý, nên không phạm tội Tham ô tài sản. Đồng thời ông Ngoan cũng lập luận rằng, Vietinbank chưa có văn bản nào quy định, trưởng phòng giao dịch phải quản lý tài sản của khách hàng.
Trước câu hỏi của HĐXX, vì sao Huyền Như không chiếm đoạt tài sản của khách hàng khác mà chỉ chiếm đoạt tài sản của 3 ngân hàng, 9 công ty…? Theo ông Ngoan, việc chiếm đoạt tài sản của Huyền Như đã có ý thức từ trước, bắt đầu từ việc thành lập Công ty Hoàng Khải. Huyền Như đang có những khoản nợ khó chi trả nên đã thực hiện hàng loạt hành vi gian dối để chiếm đoạt.
Phương thức thủ đoạn chiếm đoạt là những hành vi gian dối: Giả tên, dẫn dụ, câu nhử bằng lãi suất vượt trần quy định, các khoản chi lót tay… Đấy là dấu hiệu đặc trưng của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Huyền Như đã liên hệ với đại diện các công ty quản lý tiền vốn, bằng thủ đoạn gian dối cùng với sự tiếp sức của từ sai phạm của những người đại diện quản lý nguồn vốn, Huyền Như đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Đối với các công ty, tổ chức Huyền Như chiếm đoạt tiền, ông Ngoan cho rằng đấy là sân sau của các ngân hàng, việc gửi tiền là để thu lợi nhuận bất hợp pháp và chính những công ty này không quan tâm đến nguồn vốn gửi….
Trên cơ sở quan điểm bào chữa, ông Ngoan đề nghị HĐXX xem xét đối với hành vi của Huyền Như.
Theo ĐSPL