|
Tòa nhìn thấu "tim đen" các bị cáo?
Trong 4 nhóm tội danh được đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm, 6 bị cáo bị truy tố về tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự) đều có đơn kháng cáo. Theo đó, có bị cáo kêu oan, có bị cáo nhận tội nhưng xin được giảm án.
Bị cáo kêu oan đầu tiên phải kể đến là Trịnh Kim Quang (SN 1954, trú tại TP.Hồ Chí Minh), nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng ACB. Tại phiên tòa sơ thẩm, Quang xác nhận có tham gia cuộc họp thường trực HĐQT ngày 22/3/2010. Theo nhận thức của bị cáo này, việc ủy thác cho cá nhân gửi tiền tại thời điểm đó, pháp luật không cấm và đó là việc làm thường xuyên của các ngân hàng. Do vậy, bị cáo không phạm tội cố ý làm trái... Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Quang vẫn khai giống như tại phiên tòa sơ thẩm nhưng lại nói theo kiểu "nước đôi": "Tôi không phạm tội cố ý làm trái... Quá trình xét xử, nếu HĐXX thấy tôi phạm một tội khác, thì tôi xin được giảm nhẹ hình phạt".
Trước lời đề nghị khá ngô nghê của bị cáo Trịnh Kim Quang, chủ tọa phiên toà nhỏ nhẹ giải thích: Tòa phúc thẩm chỉ xét xử theo nội dung đơn kháng cáo. Trường hợp bị cáo kêu oan, HĐXX sẽ xem xét, bị cáo có bị oan thật hay không? Nếu bị cáo có tội, HĐXX sẽ không xem xét giảm án. Ngược lại, nếu bị cáo bị oan thật, tòa sẽ tuyên bị cáo vô tội ngay tại công đường. Bị cáo phải suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra quan điểm kháng cáo của mình".
Sau khi giải thích, vị chủ tọa "chốt" lại: "Bị cáo kêu oan hay xin giảm án?". Đứng như trời trồng trong giây lát, bị cáo quay ngoắt 180 độ: "Nếu thế, xin tòa xem xét giảm án cho bị cáo" - "Thế bị cáo còn kêu oan nữa không?". Quang đáp: "Quan điểm của tòa thoải mái như vậy, tôi không kêu oan nữa". Câu trả lời của bị cáo Quang khiến nhiều người dự khán phì cười.
Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn (SN 1958, trú tại Hà Nội), nguyên thành viên HĐQT, Phó Giám đốc ngân hàng ACB bị phạt mức án tù thấp nhất (tòa sơ thẩm tuyên 2 năm) cũng khôn khéo khi nói về nội dung kháng cáo của mình như sau: "Vì không hiểu biết pháp luật, bị cáo đã đồng tình thống nhất chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng với các thành viên HĐQT ngân hàng ACB. Đề nghị HĐXX xem xét việc làm của bị cáo". Không giống như bị cáo Quang, bị cáo Tuấn "thành thật" xin tòa án cấp phúc thẩm giảm hình phạt.
Bị cáo Lê Vũ Kỳ (SN 1956, trú tại TP.Hồ Chí Minh), nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB thẳng thắn thừa nhận mình chỉ có chuyên môn về công nghệ thông tin, không am hiểu pháp luật về tài chính ngân hàng. Căn cứ giảm án mà bị cáo Kỳ đưa ra tại phiên tòa phúc thẩm là gia đình bị cáo có công với cách mạng, sức khỏe của bị cáo không được tốt...
Quá xúc động, "bầu" Kiên nhiều lúc "bị nhầm"(!)
Khác với các cựu quan chức ACB đồng phạm, tại phiên tòa phúc thẩm này, bị cáo Nguyễn Đức Kiên (SN 1964, trú tại Hà Nội) và Lý Xuân Hải (SN 1965, trú tại TP.Hồ Chí Minh, nguyên Tổng Giám đốc ngân hàng ACB) vẫn cho rằng mình vô tội. Tuy nhiên, những chứng cứ để chứng minh các bị cáo vô tội thì vẫn không có gì thay đổi nhiều so với phiên tòa sơ thẩm tại TAND TP.Hà Nội.
Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào hồi cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, "bầu" Kiên tỏ ra rất "rắn" trong từng câu trả lời, thể hiện khả năng hùng biện, nhớ vanh vách từng điều luật trích dẫn. Tại phiên phúc thẩm, sự "hùng hồn" này đã giảm rất nhiều.
Bị cáo Kiên cho rằng mình không trốn thuế. Bị cáo lập luận, công ty B&B do bị cáo làm Chủ tịch HĐQT có kê khai doanh số hàng tháng, hàng quý và giải trình cuối năm có ghi rõ chi tiết số tiền phát sinh từ hợp đồng nào, không thể nói chi cục Thuế quận Đống Đa, TP.Hà Nội không biết.
Tuy nhiên, để "bác bỏ" điều này, giám định viên bộ Tài chính khẳng định, số tiền 25 tỉ đồng trốn thuế của Nguyễn Đức Kiên là phát sinh từ hợp đồng ủy thác giữa công ty B&B (do Kiên làm Chủ tịch HĐQT) và bà Hương (em gái Kiên). Đại diện chi cục Thuế quận Đống Đa cho biết, khi bản án có hiệu lực sẽ gửi công văn yêu cầu thu hồi khoản tiền 25 tỉ đồng cho Nhà nước.
Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tòa sơ thẩm cáo buộc Kiên đã chuyển nhượng 20 triệu cổ phần thuộc sở hữu của công ty CP đầu tư ACB Hà Nội do Kiên làm Chủ tịch HĐQT cho công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát với giá trị 264 tỉ đồng. Tuy nhiên, số cổ phần này đang được công ty CP đầu tư ACB Hà Nội thế chấp tại ngân hàng ACB.
Kiên phân trần: "Ngày 21/5/2012, sau khi ký kết hợp đồng, tập đoàn Hòa Phát và các công ty con của mình sở hữu thành công 20 triệu cổ phiếu của ACBI. Cổ phiếu của công ty này là bút toán ghi sổ, thuộc thẩm quyền của anh Dương. Với thẩm quyền của mình, anh Dương, anh Hà đã thực hiện việc sang tên số cổ phiếu này cho công ty cổ phần Thép Hòa Phát. Công ty cổ phần Thép Hòa Phát đã có công văn gửi sở KH&ĐT Hải Dương về việc giảm số lượng sở hữu, chuyển nhượng cổ phiếu. Không có chuyện Thép Hòa Phát chưa nhận được số cổ phiếu như công văn của Thép Hòa Phát gửi Cơ quan điều tra".
Lập luận lại với Kiên, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT và ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát đều khẳng định, thời điểm thỏa thuận mua bán cổ phần với Kiên, Hòa Phát không hề biết nó đã bị thế chấp.
Để chứng minh việc mình "không Kinh doanh trái phép", bị cáo Kiên phân trần: "Cả 5 công ty mà bị cáo làm chủ đều có hợp đồng góp vốn, mua bán cổ phiếu, không phải là công ty ma. Bị cáo là người ký nghị quyết của HĐQT. Các công ty này đều thực hiện đúng Luật Doanh nghiệp, không vi phạm pháp luật"...
Dù vẫn cố gắng biện minh, nhưng "bầu" Kiên nhiều lần tỏ ra quá xúc động, giọng nghẹn lại, run run, nói nhầm lẫn giữa tòa sơ thẩm và phúc thẩm nên được HĐXX động viên: Không nên "cố quá" đồng thời cũng nhắc nhở "bị cáo nói ngắn, tập trung vào câu hỏi". Tuy nhiên, trong phần trình bày, nhiều lúc Kiên lại nói lan man những vấn đề không đúng trọng tâm khiến tòa phải ngắt lời, nhắc nhở: "Bị cáo đã chuyển sang phần bào chữa rồi. Chưa bao giờ trong phần xét hỏi lại đưa ra đánh giá. Chỉ khi bản án được tuyên thì đó mới là quan điểm của HĐXX".
Làm rõ vai trò các bị cáo liên quan đến vụ án
Trước công đường, HĐXX đã làm rõ 6 bị cáo có liên quan trực tiếp đến phiên họp thường trực HĐQT ngân hàng ACB vào ngày 22/3/2010. Tại cuộc họp này, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo không được làm giảm tổng tài sản của ngân hàng ACB. Tổng giám đốc Lý Xuân Hải đề xuất phương án ủy thác cho nhân viên ngân hàng ACB mang tiền của ngân hàng ACB đi gửi vào các ngân hàng khác để nhận lãi suất tiền gửi, vừa được hưởng thêm hoa hồng, khuyến mãi. Các thành viên HĐQT đồng ý ký. Đây là nguyên nhân dẫn đến hệ lụy 19 nhân viên ngân hàng ACB được ủy thác mang 718 tỉ đồng đi gửi tại Vietinbank đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank, chi nhánh TP.Hồ Chí Minh) lừa đảo chiếm đoạt.
Tại tòa, bị cáo Huyền Như thú nhận: "Tôi rút tiền bằng cách thế chấp sổ tiết kiệm và tất toán sổ tiết kiệm của các nhân viên ngân hàng ACB gửi tiền tại Vietinbank. Hành vi lừa đảo của Huỳnh Thị Huyền Như đã phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, được giải quyết trong một Vụ án khác nên HĐXX tòa phúc thẩm TAND Tối cao không xem xét.
Đại diện ngân hàng ACB và các luật sư tìm cách chứng minh số tiền 718 tỉ đồng thuộc quyền quản lý của Vietinbank đã bị Huyền Như chiếm đoạt. Ngược lại, đại diện ngân hàng Vietinbank lại chứng minh một cách thuyết phục số tiền này do Huyền Như chiếm đoạt và Huyền Như phải chịu trách nhiệm cá nhân về hành vi của mình. Điều này đã được cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ và cũng được nêu trong bản án sơ thẩm của TAND TP.Hà Nội.
|
HƯỜNG TUẤN