Để có những góc nhìn toàn cảnh về thị trường thực phảm bẩn, không rõ nguồn gốc vào thời điểm cuối năm tại TP.HCM, PV có cuộc xâm nhập thực tế tại các điểm nóng, các cơ sở sản xuất chế biến, các cửa ngõ vào theo chân các đoàn kiểm tra của thành phố. Một thực tế kinh hoàng đang diễn ra, khi hàng loạt chủ hàng vì siêu lợi nhuận bất chấp luật pháp, an toàn sức khỏe của người dân, tuần thực phẩm bẩn đang trong quá trình phân hủy vào tiêu thụ trong thành phố.
Thịt lợn bẩn lẫn trong... rau sạch
Để làm rõ vấn đề này, PV có mặt tại một số điểm nóng về thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc trên địa bàn thành phố để ghi nhận thông tin. Là một trong những điểm nóng của thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, người dân huyện Bình Chánh (TP.HCM) tỏ ra hết sức lo ngại về chất lượng thực phẩm trôi nổi trên thị trường. Một người dân chia sẻ: “Chúng tôi vẫn chưa hết rùng mình khi vào tháng 4/2014, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh có buổi kiểm tra công tác phòng chống dịch trên địa bàn thị trấn Tân Túc đã phát hiện ông Nguyễn Văn Cường (quê Quảng Bình) đang điều khiển phương tiện 61S1 6339 vận chuyển 10 thùng xốp với số lượng 700kg lỗ tai heo không giấy chứng nhận kiểm dịch. Không chỉ vậy, sản phẩm động vật có mùi hôi thối bốc lên, tím tái”.
Tiếp đó, ngày 27/11/2014, trạm thú y huyện Bình Chánh kiểm tra, phát hiện ông Trần Văn Bình vận chuyển ba bao tải chứa 15 con heo từ Đồng Nai về TP.HCM bằng xe honda. Qua kiểm tra, đoàn phát hiện lô hàng không giấy chứng nhận kiểm dịch. Số heo trên bốc mùi hôi thối, ngả màu, rỉ dịch, da xuất huyết điểm, thịt biến chất. Chia sẻ về vấn đề này, một cán bộ đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh cho biết: “Nếu chẳng may, cơ quan chức năng không phát hiện, xử lý kịp thời, thì chủ hàng đã có thể đưa số lượng thực phẩm bẩn này đến tay người tiêu dùng”.
Còn tại quận Thủ Đức, vào đầu tháng 1/2015, Trạm kiểm dịch động vật Xuân Hiệp (quận Thủ Đức), Chi cục Thú y TP.HCM kết hợp với lực lượng CSGT Bình Triệu (Công an quận Thủ Đức) kiểm tra trên tuyến quốc lộ 1A thì phát hiện một xe khách vận chuyển gia súc trái phép từ tỉnh Quảng Ngãi vào TP.HCM. Kết quả kiểm tra cho thấy, trên xe khách có chất năm thùng heo sữa đã được giết mổ. Mỗi thùng có trọng lượng 90kg, hai thùng phuy phụ phẩm lòng heo. Những sản phẩm này đều không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, tất cả đều bốc mùi hôi thối, rỉ nhớt.
Cũng vào thời điểm kiểm tra nói trên, đoàn kiểm tra liên ngành quận Thủ Đức còn phát hiện chiếc xe khách khác mang biển số 60B-00887 vận chuyển ba bao phụ phẩm bò (190kg) từ Đồng Nai về miền Tây; xe 43B-01623 vận chuyển tám thùng gà nhập khẩu (65kg/thùng); xe 75-00737 vận chuyển bốn thùng xốp phụ phẩm heo (150kg); xe 76B-00217 vận chuyển 30kg thịt heo. Đáng sợ hơn khi toàn bộ số hàng trên đều không có giấy chứng nhận kiểm dịch và đang trong quá trình phân hủy. Tất cả đã được cơ quan chức năng tịch thu, tiêu hủy theo quy định.
Để tận mắt chứng kiến việc vận chuyển thực phẩm trái phép, PV đã có mặt tại các cửa ngõ phía Tây (thuộc huyện Bình Chánh) và phía Đông (thuộc quận Thủ Đức) trong nhiều đêm. Bởi, đây là những cửa ngõ quan trọng để các chủ hàng đưa thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc từ các tỉnh vào thành phố tiêu thụ. Kết quả cho thấy, hầu hết các tài xế vận chuyển thực phẩm trái phép đều đi vào thời điểm rạng sáng. Nhiều lần, PV đuổi theo để biết được bến đỗ của các phương tiện này, nhưng đều mất dấu vì các tài xế chạy với tốc độ rất cao. Để đánh lạc hướng cơ quan chức năng, nhiều người còn trà trộn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc vào những sản phẩm đã qua kiểm dịch vào mặt hàng rau, củ, quả.
Phát hiện chất cấm gây ung thư
Không chỉ vận chuyển, bất cứ ai khi chứng kiến môi trường sản xuất thực phẩm được đặt bên cạnh nhà vệ sinh tại một cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Bình Chánh đều thấy ám ảnh. Theo đó, vào ngày 1/8/2014, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh do trạm Thú y huyện Bình Chánh chủ trì, bất ngờ kiểm tra cơ sở sơ chế phụ phẩm heo tại địa chỉ 174B/6B ấp 2 (xã An Phú Tây) do ông Nguyễn Quốc Việt làm chủ. Trong quá trình kiểm tra, đoàn phát hiện cơ sở đang sơ chế sản phẩm huyết heo không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật. Sản phẩm sau khi sơ chế để trên sàn nhà cạnh nhà vệ sinh. Đặc biệt, số huyết heo đã tồn trữ lâu ngày tại cơ sở có biểu hiện ngả màu, biến chất...
Không chỉ các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ, nhiều doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh cũng vi phạm nghiêm trọng về an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất. Cụ thể, ngày 19/8/2014, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh tổ chức kiểm tra công ty TNHH MTV Hòa Thắng (địa chỉ B8/10ª ấp 2, xã Vĩnh Lộc B) do ông Nguyễn Hữu Chiến làm giám đốc. Theo giấy phép kinh doanh, công ty hoạt động với chức năng sản xuất tóp mỡ và mỡ nước, cung cấp nguyên liệu làm thức ăn gia súc. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp này đã vi phạm trong việc không đảm bảo vệ sinh trong hoạt động sản xuất: Nền sàn đọng nước bẩn, lẫn nhiều tạp chất lạ. Không chỉ vậy, công ty hoạt động không đúng như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, khi sơ chế 470kg lỗ tai heo nguồn gốc chợ Tân Xuân (Hóc Môn).
Ông Nguyễn Hồng Triệu, Phó Trưởng trạm thú y huyện Bình Chánh cho biết: “Sau một thời gian theo dõi và nắm bắt thông tin, ngày 12/8/2014, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh phối hợp Công an, UBND xã Tân Kiên phát hiện ông Sơn Chiều (quê tỉnh Trà Vinh, tạm trú tại ấp 4, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) đang chế biến khô bò đen từ phổi heo mà không có giấy phép hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sản phẩm động vật (phổi heo) không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Phổi heo trong quá trình chế biến được phơi dọc hàng rào quanh nhà, mặc cho ruồi muỗi bám đầy”. Trưa 1/10/2014, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh kiểm tra tại địa chỉ F7/1C tổ 3 (ấp 6, xã Vĩnh Lộc B) phát hiện bà Đỗ Thị Tân, tổ chức sản xuất trái phép chà bông gà. Tang vật gồm 15kg thịt gà, 20kg da gà tươi, 250kg chà bông chưa thành phẩm và 817kg chà bông giai đoạn thành phẩm. Tại hiện trường, la liệt thành phẩm và bán thành phẩm chà bông dưới nền nhà, để cho chó tự nhiên qua lại. Không những thế, cơ sở này còn sử dụng đồ hốt rác để xúc bột trộn vào chà bông.
Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện chất cấm tại cơ sở sản xuất chà bông nói trên đó là chất Sodium Cyclamate (đường hóa học, chất cấm dùng trong thực phẩm). Loại chất này có xuất xứ từ Trung Quốc nhằm tạo vị ngọt giả cho thực phẩm, rẻ tiền nhưng rất độc hại. Một cán bộ đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh cho biết, loại chất này có khả năng gây ung thư với người sử dụng.
Phối hợp chặt chẽ với các đoàn kiểm tra liên ngành
Trước tình hình phức tạp của thị trường thực phẩm cuối năm, một lãnh đạo Chi cục Thú y TP.HCM cho hay: “Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, các trạm Thú y quận huyện cũng đã phối hợp tốt với các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, phát hiện, xử lý kỹ thuật (không phạt) các trường hợp vi phạm trong vận chuyển, giết mổ, kinh doanh trái phép động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch”.
|
THƠ TRỊNH - ÁI MINH