Chính vì những tư tưởng phù phiếm về một đám cưới hoành tráng, xa hoa của nhà cô dâu mà cặp uyên ương buộc phải chia tay.
Tình yêu chạm đích
Chị V.T.Nh (SN 1990, phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng) và anh N.N.Th (SN 1989, thị trấn Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) cùng học một lớp đại học với nhau. Họ đem lòng yêu nhau và hứa hẹn khi nào có công ăn việc làm ổn định, họ sẽ lấy nhau. Tình yêu sinh viên trải qua bao khó khăn, bởi cả hai gia đình đều nghèo, họ phải vừa học, vừa làm thêm để cân đối cuộc sống tại Thủ đô. Kết thúc 4 năm học địa học, cả hai người ra trường, và như bao sinh viên khác, họ gặp vô vàn khó khăn để tìm được công việc có thu nhập ổn định cho mình.
Chị Nh. sau nhiều lần nộp đơn xin việc, thử việc, chị không được nhận vào cơ quan nào, gia đình cũng không có tiền để chạy việc, chị chấp nhận làm nhân viên bán hàng ở siêu thị điện máy Pico tại Hà Nội. Còn anh Th. may mắn hơn, anh kiếm được một công việc văn phòng ổn định, đúng với ngành nghề kế toán của anh, nhưng mức lương thì ba cọc ba đồng, đủ cho anh đóng tiền nhà, chỗ còn lại đủ tiền ăn. Mỗi tối tan ca, anh đều đến đón chị, đưa chị đi là làm gia sư. Rồi hai người cùng về một phòng trọ nấu ăn, tiết kiệm tối đa mọi chi phí sinh hoạt để dành cho việc làm lễ cưới sau này.
Những người bạn cùng trang lứa đều cảm thấy khâm phục nghị lực, quyết tâm của hai bạn trẻ ấy. Tuy nhiên, sau khi ra trường cũng đã gần ba năm, họ vẫn chưa thể có được công việc ổn định, trong khi chi phí cho cuộc sống thì vẫn rất đắt đỏ. Cả hai người cùng nghĩ rằng đã đến lúc cưới nhau về cùng một mối, khi đó sẽ cùng làm, cùng tiết kiệm, mua sắm dần cho cuộc sống. Và họ cũng xác định sẽ không sớm sinh con, để cuộc sống ổn định mới tính đến chuyện có em bé. Vẫn đề cuối cùng chỉ là về xin ý kiến của bố mẹ để xúc tiến việc đám cưới.
Lời thách cưới oái oăm
Chị Nh. đã về nhà bố mẹ của anh Th. để ra mắt. Một gia đình thuàn nông tại miền quê nghèo, thấy bạn gái của con trai trắng trẻo xinh xắn, cả họ đều mừng cho anh. Aii cũng đồng ý cho việc cưới xin. Tuy nhiên, với gia đình chị Nh. lại khác. Ngay từ khi yêu nhau, anh Th. đã bị gia đình đó ghét cay ghét đắng chỉ vì... nghèo và nhà quê. Bố chị Nh. thường mắng con gái: “Đường đường là con gái thành phố, thiếu gì trai thành phố cho mày yêu lại đi yêu, lại đi yêu cái thằng vừa nghèo, vừa nhà quê, vừa bất tài vô tướng, lương thì ba cọc ba đồng. Mày cứ lấy thằng nào ở Hải Phòng là cũng tốt đẹp cho mày rồi. Đằng này mày lại muốn bỏ phố lên rừng ở hả con?”.
Chú rể bỏ cô dâu để chạy "lấy người". Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Dù bị gia đình ngăn cấm nhưng Nh. vẫn một mực muốn lấy anh Th. Cuối năm 2014 , gia đình nhà anh tới gặp chị để nói chuyện với nhà gái cho hai người được nên duyên vợ chồng. Biết tính bố Nh. thích hào nhoáng, gia đình anh Th. đã phải thuê ô tô đi từ Thái Nguyên tới thưa chuyện cho lịch sự. Thế những khi nghe những lời thách cưới của gia đình nhà gái, nhà trai ai cũng choáng váng. Anh Th. kể lại: “Khi nhà tôi đến nhà gái, bố Nh. trịch thượng ra giá mà cả nhà tôi ai cũng rùng mình. Ông ấy yêu cầu phải lo cái đám hỏi thật hoành tráng. Ông ấy nói cụ thể thế này: “Tôi biết nhà ông bà cũng không có điều kiện, nên tôi cũng châm chước cho không cần phải tráp đen (tiền đưa cho nhà gái) nhưng ông bà phải lo cái lễ ăn hỏi cho đàng hoàng.
Ở thành phố nhà tôi nó vậy, ăn hỏi nào cũng làng nhàng phải 11 mâm lễ là ít, đằng này con gái tôi bỏ phố lên rừng ở, nên nhà ông bà cũng phải chuẩn bị cho cháu đỡ tủi thân và cũng cho gia đình tôi được mát mặt”. Đấy, ông bố người yêu tôi nói như thế”.
Rồi sau đó, ông yêu cầu nhà trai phải chuẩn bị 15 mâm lễ vật cho đám hỏi trong đó có các mâm không thể thiếu, và phải làm hoành tráng như mâm rượu, chè, thuốc lá, bánh kẹo, xôi, gà, lợn... 15 mâm đó lại còn yêu cầu mỗi mâm một xe ô tô riêng, một cậu bê tráp, một cụ già đi kèm. Mà ô tô phải là loại 4 chỗ đẹp, không chấp nhận những loại xe kiểu KIA Morning... “Còn xe thì ông bà cứ chọn cái loại toa màu đen, màu đen, nhìn bề thế vào. Tôi biết nhà mình cũng chẳng có điều kiện hay quan hệ để mượn cho bằng đủ 15 chiếc xe, mà mỗi xe một hãng nó cũng lôm côm. Tốt nhất ông bà cứ thuê taxi, nhưng nhớ thuê hãng từ Thái Nguyên xuống, đeo biển 20 của tỉnh ấy. Thì như thế hàng xóm láng giềng nhìn vào thì người ta mới biết là nhà con rể tương lai của tôi cũng có điều kiện, cũng tươm tất. Con gái tôi không bị xấu hổ với đời”.
Chú rể bỏ cô dâu chạy lấy người
Nhà trai hôm đó trên đường về mà không ai nói với ai được câu nào. Họ vẫn bàng hoàng về thủ tục rắc rối của người thành phố Cảng. Anh Th. nhẩm tính cho phóng viên: “Bây giờ các anh thử tính xem, riêng tiền xe cứ trung bình 1 triệu một xe, 15 xe taxi đã là 15 triệu đồng. Thêm tiền lễ vật phải chuẩn bị, tiền trang hoàng, tiền đi đường, chắc cũng phải 50 triệu cho cái đám ăn hỏi đó. Trong khi cả nước vận động tiết kiệm, đơn giản thì người thành phố ấy họ vẫn có tư tưởng khoa mẽ, không thể chấp nhận được. Nhưng rồi lấy nhau về hai vợ chồng phải kéo cày trả nợ cho những ý nghĩ phù phiếm đó thì thật khó có thể chấp nhận”.
Anh Th. cho biết thêm: “Ví dụ gia đình người ta giàu có, chê mình không môn đăng hậu đối, nên mới bắt phải hoành tráng thì còn ra nhẽ. Đằng này nhà họ cũng nghèo. Bố của người yêu tôi làm xe ôm, mẹ của cô ấy thì bán hàng trà đá ngay ngoài ngõ. Điều mà họ hơn nhà tôi duy nhất ở chỗ họ nghèo ở thành phố còn chúng tôi thì ở tỉnh lẻ. Sự phân biệt, khinh miệt ấy, tôi không chấp nhận được. Cả nhà tôi đều hiểu Nh. rất yêu tôi nhưng khó có thể thông cảm được cho cái suy nghĩ của gia đình nhà gái”.
Anh Th. kể lại, cũng đã rất nhiều lần anh và bố mẹ anh gọi điện “mặc cả” với nhà gái xem có bớt được khoản nào cho tiết kiệm hơn không thì nhà gái cũng chấp nhận cho nhà trai không phải thuê taxi từ Thái Nguyên đến Hải Phòng, nhà trai có thể thuê ô tô du lịch cỡ lớn chở cả quan viên nhà trai với lễ vật xuống thành phố, sau đó thì thuê taxi ở thành phố để đến ăn hỏi, lễ vật cũng có thể ít đi, nhưng số mâm; và 15 chiếc xe riêng thì không thể thiếu được.
Nh. cũng nhiều lần cãi nhau với bố, chị đã phân tích, với yêu sách như của bố chị, nhà trai họ không lấy nữa thì còn dơ mặt hơn. Nhưng ông kiên quyết: “Không lấy nữa thì chỉ chứng tỏ con gái tao cao giá, còn nhà trai đó đũa mốc không chòi được mâm son, thì nó dơ chứ tao dơ gì?”. Chị còn dọa đã mang thai với anh, ông bố nói thẳng: “Nếu nó không lấy mày thì con nó cũng cần gì, thôi thì để tao đưa đi giải quyết cho nhanh”.
Sau bao nhiêu nỗ lực “mặc cả” không thành, sát đến ngày ăn hỏi vào tháng 12/2014, khi nhà gái đã dựng rạp để chờ cho đoàn xe từ Thái Nguyên đến, thì về phía nhà trai vẫn đang đau đầu không biết làm thế nào để kiếm cho đủ tiền lo cái lễ ăn hỏi. Lễ vật cũng đặt cả, nhưng chưa thanh toán, chỉ toàn đặt cọc. Xe taxi chưa thuê được vì nghe thấy số tiền phải trả vượt ngoài dự kiến. Chú rể lo cưới mà gầy đi mất vài cân. Cuối cùng chỉ còn cách ngày ăn hỏi 2 ngày, cả nhà trai quyết định... hủy cưới. Mà quyết định này lại xuất phát từ chính chú rể. Anh Th. tâm sự: “Chúng tôi không thể chấp nhận được. Mục đích để hai đứa cưới nhau là quy về một mối, cùng làm, cùng tích góp, lo cho cuộc sống sau này được ấm êm, sung túc hơn. Nhưng chưa lấy nhau đã nhìn thấy trước khoản nợ vài chục triệu. Tình yêu thì đẹp đấy, nhưng nó phải phù hợp với cuộc sống, vẫn cần có những sự thực dụng. Tôi cũng đành phải xin lỗi cô ấy vì không thể ở bên cạnh cô ấy được. Có lẽ tôi đi cưới gái quê sẽ thực tế hơn. Đến bây giờ chúng tôi cũng chưa nói chuyện lại với nhau, việc hủy hôn này khiến cả hai gia đình, cả hai người chúng tôi đều bị tổn thương. Nhưng tôi thấy đấy là bài học để gia đình họ thay đổi suy nghĩ. Còn nếu không thay đổi được, họ hãy cố gắng tìm một gia đình phù hợp hơn nhà tôi”.