News

6/recent/ticker-posts

Giáp Tết, hàng lậu, hàng nhái "thay tên đổi họ" thành đồ xịn

Thời điểm cận tết, hàng hóa tuồn về TP.HCM ngày càng nhiều, chủ yếu là hàng hóa thiết yếu, tiêu dùng, gia dụng, thời trang, nội thất... Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, trên thị trường, người tiêu dùng vẫn rơi vào ma trận hàng giả, hàng lậu..., được gắn nhãn mác, tem, không thể phân biệt. Nó có mặt từ các chợ truyền thống đến các siêu thị, trung tâm thương mại.
Đủ loại hàng "rởm"
Chị Nguyễn Thị Xuyến (ngụ Q.12, TP.HCM) cho biết: "Ra chợ bây giờ cái gì cũng sợ cả. Hôm trước tôi đi chợ, mua ba vỉ trứng, loại 10 quả vừa gà vừa vịt của cơ sở sản xuất B.H.. Tưởng là mua được đúng sản phẩm, ai dè... lại bị lừa. Thực chất, tờ giấy ghi thông tin là mang tên cơ sở sản xuất B.H., nhưng trứng thì không phải. Vì có nhiều trứng nhỏ, đem soi thì mới biết chất lượng không tốt.
Ông Nguyễn Trí Cương, Giám đốc công ty Xuất nhập khẩu Việt Âu cho biết, hiện nay, hàng hóa Trung Quốc xâm nhập vào thị trường Việt Nam khá phổ biến với nhiều loại hàng hóa. Nhiều nhất vẫn là đồ chơi trẻ em, quần áo, đồ gia dụng, mỹ phẩm... Trong đó, có rất nhiều sản phẩm không nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác được tuồn vào Việt Nam qua con đường nhập lậu.
Điều đáng nói, chính là nó vào cả bằng con đường chính ngạch với số lượng lớn do cơ chế thông quan nhanh. Khi vào đến Việt Nam, chúng lại được các đối tượng trục lợi dán tem, nhãn là hàng Việt, hàng Mỹ, Ý, Pháp... bán tràn lan trên thị trường. Thậm chí, nhiều sản phẩm, đặc biệt là thuốc lá, hàng điện tử... với lợi nhuận siêu khủng, chúng còn gắn tem chống giả của bộ Công an giống y như thật để dễ dàng tiêu thụ.
Thực tế thời gian qua, cơ quan chức năng cũng bắt giữ nhiều vụ hàng lậu từ Trung Quốc nhập về Việt Nam, được gắn lên các nhãn, mác, tem của hàng chính hãng, hàng hiệu. Cách đây một tuần, cục Cảnh sát Kinh tế, bộ Công an phối hợp cùng chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, tiến hành kiểm tra một kho hàng tại sân bay Tân Sơn Nhất, phát hiện một lô hàng hiệu nghi là nhập lậu. Tại thời điểm kiểm tra, lô hàng này có các sản phẩm như giày hiệu Nike, váy hiệu Gucci, quần jean hiệu Versace...

Hàng ngàn nhãn, mác giả bị phát hiện.

Theo nhận định, đây có thể là một đường dây chuyên sản xuất tem, nhãn giả hàng hiệu để gắn váo các sản phẩm nhập lậu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu số hàng này được thông quan trót lọt và được treo trong các cửa hàng sang trọng, trong các siêu thị hay các trung tâm thương mại... lại có giá từ vài chục đến vài trăm ngàn USD là chuyện thường.
Nhập lậu hàng Trung Quốc... dễ như mua rau
Tìm hiểu thực tế thị trường cho thấy, việc nhập hàng từ Trung Quốc về Việt Nam vô cùng đơn giản, kể cả việc tìm, gắn nhãn mác, tem hàng hiệu cho các sản phẩm đó. Với ý định nhập sáu tấn hàng hóa từ Quảng Châu (Trung Quốc) về TP.HCM, trong đó có hai "công" (container) là vải và quần áo cùng năm tấn hàng điện tử, PV trong vai nhà kinh doanh vào cuộc tìm đơn vị vận chuyển.
Lên mạng gõ đơn vị vận chuyển hàng từ Trung Quốc về thì thấy có Dịch vụ vận chuyển Việt Trung Logictic, địa chỉ tại số 6 Lê Văn Thiêm, Thanh Xuân, Hà Nội. Chị N., trực điện thoại của dịch vụ cho biết, có kho hàng ở Bằng Tường (Trung Quốc), khi PV yêu cầu thuê chuyển hàng về TP.HCM thì chị N. cho hay, chỉ về được đến Hà Nội thôi. Khi PV nói, đây là hàng hóa không có giấy tờ, nói thẳng là nhập lậu, chị N. nói tỉnh queo: "Dạ em biết rồi".
Theo đơn vị này báo giá, giá vận chuyển của sản phẩm sẽ bằng tiền hàng cộng với ship nội địa Trung Quốc và ship hải quan. Chỉ cần từ 3 - 9 ngày là có hàng tại Việt Nam. Khi hàng từ Trung Quốc về đến kho an toàn, việc còn lại là đi tìm nhãn mác hàng hiệu, tem chống giả để gắn lên cho số sản phẩm này. Rất đơn giản, muốn in logo, nhãn mác kim loại, logo kim loại, tem nổi, nhãn mác, logo mọi chất liệu: nhôm phay, ăn mòn, 3M, nhựa mạ... thì chỉ cần gọi cho Long "tem nổi" là có ngay", một dân buôn loại hàng này bật mí.
Tem gì cũng có (!)
Long "tem nổi" cho biết, "tem" của gã bán với giá gốc, sản xuất số lượng lớn. Ví như logo nhôm phay thường dùng cho logo Kangaroo, Funiki, Hitachi, Sharp, Motorola... Đồ điện máy, tủ lạnh, máy tính thường dùng tem nhôm phay. Còn logo nhôm không phay, sáng bóng và đẳng cấp thường được các hãng như HP, Dell, Vaio... dùng. Một loại nữa là logo thạch anh, là chất liệu làm tem được các hãng như Honda SH, OtoFun, Logo Smartdoor... sử dụng.
Tương tự, cần mua tem chống giả thì cũng có hàng loạt cơ sở cung cấp. Khi PV gõ cụm từ "tem chống hàng giả" có tới gần một triệu kết quả liên quan chỉ trong vòng 0,37 giây trên Google. Truy cập vào một số trang in tem chống hàng giả thấy rất nhiều trang quảng cáo, "nổ" với những lời có cánh và nói nhiều về các đối thủ cạnh tranh. Trên thực tế, muốn in tem chống hàng giả thì cần có giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy đăng ký thuế, giấy đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, giấy phép lưu hành của cơ quan có thẩm quyền. Khi có đầy đủ thủ tục và được thẩm định, viện Khoa học hình sự, bộ Công an sẽ làm hợp đồng in tem chống giả. Tuy nhiên, việc in tem chống hàng giả hiện nay rất đơn giản. Gọi cho một cơ sở trên đường Đoàn Giỏi (quận Tân Phú, TP.HCM), thì được anh này cho hay, muốn in tem chống hàng giả không có hồ sơ (giấy phép kinh doanh, giấy đăng ký thuế...) thì hiện giờ, chỉ còn loại kích thước 1x2 (tức khổ 10x20) hình chữ nhật, bo góc mà thôi.
Thực chất của hoạt động này cũng là "hô biến" hàng lậu, hàng giả, hàng nhái... thành hàng hiệu để trục lợi. Tuy nhiên, chế tài xử phạt lại rất nhẹ tay. Nói về thực trạng này, luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, chế tài hành chính được áp dụng cho các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu chưa tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa đủ sức ngăn ngừa, răn đe đối với một số hành vi vi phạm.
"Do đó, tôi cho rằng, cần phải áp dụng thêm các chế tài hình sự cho những hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu đủ dấu hiệu cấu thành hành vi vi phạm pháp luật hình sự, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, cho các tổ chức/cá nhân kinh doanh chân chính hoặc xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thấy có đủ yếu tố cấu thành tội phạm", luật sư Nghiêm nói.
Tập trung vào các mặt hàng thiết yếu
Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, thời điểm cận Tết Nguyên đán là cao điểm của công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại. Chính vì thế, Chi cục đã bố trí các đội thường xuyên kiểm tra tại các điểm tập trung như cảng, ga hàng không, đường sắt... Trong đó trọng tâm vẫn là kiểm tra các mặt hàng thiết yếu tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại...
N.Đ (T.H)