Chiều 27/3 vừa qua, HĐXX-TAND tỉnh Quảng Trị đã tuyên án sơ thẩm xử phạt 4 bị cáo trong vụ 3 trẻ tử vong do tiêm nhầm thuốc xảy ra ngày 20/72013 tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa.
Bốn bị cáo đứng trước vành móng ngựa. (Ảnh: Báo Vietnamnet)
Theo đó, bị cáo Nguyễn Thị Thuận bị tuyên phạt 5 năm tù giam về tội “vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”. Bị cáo Lê Huỳnh Sơn 4 năm tù giam; Nguyễn Văn Thiện 3 năm tù giam; Trần Thị Hải Vân 3 năm tù treo cùng về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Các gia đình bị hại được bồi thường đều như nhau, 77 triệu đồng (60 triệu tiền tổn thất tinh thần, 17 triệu tiền mai táng phí).
Như vậy, tổng mức án mà 4 bị cáo bị tuyên phạt là 15 năm tù.
Sau khi mức án được tuyên bố, một số ý kiến cho rằng 15 năm tù chưa xứng đáng so với hành vi của các bị cáo. Để làm rõ vấn đề này, phóng viênPhununews đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường, trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội.
Luật sư Đặng Văn Cường, trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội.
Chia sẻ với phóng viên, luật sư Cường khẳng định việc điều tra, truy tố, xét xử bị các bị cáo Nguyễn Thị Thuận về tội “vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”. Các bị cáo Lê Huỳnh Sơn, Nguyễn Văn Thiện và Trần Thị Hải Vân về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là có căn cứ và đúng pháp luật. Cần phải có hình phạt thật nghiêm khắc để răn đe, giáo dục các bị cáo đồng thời hội đồng xét xử cũng đã xem xét tới tính chất của vụ án và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Về nguyên tắc thì mức hình phạt cụ thể của các bị cáo căn cứ vào các quy định của bộ luật hình sự (tội danh, chủ thể..) trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Đối với các vụ án có đồng phạm thì cần cá biệt hóa vai trò đồng phạm của các bị cáo. Người chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực sẽ bị xử lý hình phạt nghiêm khắc hơn những người xúi giục, giúp sức.
Người nào có lỗi cố ý, lỗi lớn hơn thì sẽ chịu trách nhiệm lớn hơn.
Nhân thân của từng bị cáo và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng là căn cứ để xác định mức hình phạt phù hợp cho từng bị cáo.
Bị cáo nào vai trò mờ nhạt nhất, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhân thân tốt, đã nhận thức được sai phạm của mình, đủ điều kiện áp dụng Điều 60 BLHS và hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP về hướng dẫn áp dụng án treo sẽ có cơ hội được hưởng án treo.
Kết quả vụ án phụ thuộc vào các thông tin có trong hồ sơ vụ án và các diễn biến tại phiên tòa, các tài liệu, chứng cứ đã được làm rõ tại phiên tòa sau phần xét hỏi và tranh luận công khai.
Với những thông tin mà báo chí đã đưa thì việc HĐXX cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo với mức hình phạt như vậy là phù hợp với hành vi và hậu quả của các bị cáo đã gây ra.
Đành rằng tính mạng con người là không gì bù đắp được, không gì có thể đánh đổi được. Nhưng pháp luật chúng ta không quy định là "giết người đền mạng". Mục đích của hình phạt là giáo dục, cải tạo và để phòng ngừa chung, tạo cơ hội cho các bị cáo có cơ hội sửa sai, làm lại cuộc đời, chứ không chỉ có tính chất là trừng phạt - trả thù ngang bằng.
Trong vụ án này, lỗi của các bị cáo đều là lỗi vô ý do cẩu thả chứ không phải là lỗi cố ý nên mức hình phạt như vậy là phù hợp. Nếu các bị cáo có lỗi cố ý thực hiện hành vi phạm tội, cố ý tước đoạt tính mạng của các em bé thì sẽ bi xử lý về tội giết người chứ không thể xử lý về tội vô ý làm chết người... được.
Trong vụ án hình sự, cùng một hậu quả (chết người) nhưng với các hành vi phạm tội khác nhau, lỗi khác nhau (cố ý hoặc vô ý), nhân thân khác nhau... thìkết quả giải quyết vụ án (mức hình phạt) với mỗi bị cáo cũng khác nhau.
Dù là hình phạt 1 năm tù hay 3 năm tù, dù là tù có thời hạn hay tù chung thân thì mục đích phải đủ để răn đe, phòng ngừa: để người khác nhìn vào đó mà không dám vi phạm như thế. Đồng thời, hình phạt phải đảm bảo tính khoan hồng của pháp luật, đủ để bị cáo sau khi chấp hành hình phạt không dám tái phạm nữa... Thế nào là phù hợp với từng bị cáo là nhận định của Hội đồng xét xử, căn cứ vào pháp luật, kinh nghiệm và niềm tin nội tâm.
Cáo trạng nêu rõ vào sáng 20/7/2013, y sĩ Nguyễn Thị Thuận thực hiện y lệnh bác sĩ Lê Thị Kim Phượng, tiêm vắc xin viêm gan B cho 3 trẻ sơ sinh (con của các sản phụ Nguyễn Thị Nga, SN 1983, trú khóm Đông Chính, thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa; Trần Thị Hà, SN 1973, trú khóm 3A, thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa và Hồ Thị Thương, SN 1996, trú bản 7, xã Thuận, Hướng Hóa).
Y sĩ Thuận đến khoa Khám bệnh nơi đặt tủ lạnh bảo quản thuốc, do mất điện nên y sĩ Thuận bật đèn pin điện thoại di động, mở tủ lấy 3 lọ thuốc trong hộp giấy không đậy nắp, rồi dùng bơm kim tiêm hút thuốc và tiêm cho 3 trẻ sơ sinh kể trên.
Khoảng nửa giờ sau, nghe tiếng kêu của các sản phụ y sĩ Thuận chạy đến, thấy 3 trẻ đều tím tái, thở nấc liền đưa đến phòng cấp cứu nhưng các cháu đã tử vong sau đó không lâu.
Sau đó, y sĩ Thuận về phòng sinh tìm lại vỏ 3 lọ thuốc đã tiêm, thấy bên ngoài có dòng chữ Esmeron mà không phải vắcxin viêm gan B, biết mình đã tiêm nhầm thuốc nên đến tủ lạnh lấy vỏ hộp thuốc đã tiêm bỏ vào túi áo và lấy 3 lọ vắcxin viêm gan B chưa sử dụng đi về phòng khoa sản.
Tại đây, y sĩ Thuận lấy 2 bơm kim tiêm hút thuốc vắcxin viêm gan B trong 3 lọ xả xuống nền nhà rồi đặt 3 vỏ lọ vắcxin viêm gan B vào sọt rác màu vàng đặt ở xe tiêm, ném 3 vỏ lọ Esmeron vào gốc cây nhãn phía sau khoa sản.
Trong khi đó, Lê Huỳnh Sơn chính là người tự ý bỏ ba lọ thuốc Esmeron vào tủ thuốc, chung với vắcxin viêm gan B, uốn ván. Còn y tá trưởng Trần Thị Hải Vân là người được giao quản lý tủ thuốc nói trên.
Ngày 18/7/2013, phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Hướng Hóa Nguyễn Văn Thiện đã nghe đoàn kiểm tra của Sở Y tế tỉnh kết luận, chấn chỉnh những nội dung sai phạm, nhưng vẫn không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ trong thời gian được giám đốc bệnh viện ủy quyền.
Sự thiếu trách nhiệm, việc làm không đúng của các bị cáo Thiện, Vân và Sơn chính là nguyên nhân dẫn đến việc y sĩ Thuận lấy nhầm thuốc, gây ra cái chết đau lòng cho 3 trẻ sơ sinh kể trên.
|