News

6/recent/ticker-posts

“Chí Phèo” cứ “lên cơn” là lại vào đồn công an... thách đấu

Cứ có chút hơi men, ông Cần lại ghé trụ sở công an đòi... “xử” cán bộ theo kiểu giang hồ.
Ông ta còn đem theo dao để... thách đầu với công an. Số vụ gây rối, lăng mạ lực lượng chức năng tái diễn nhiều lần ngay trước cổng cơ quan công an. Không chỉ chính quyền mà người dân địa phương cũng nhiều lần bị ông Cần... thách đầu, phải lánh đi nơi khác mới được yên thân.
Nhiều lần “khiêu chiến” tại trụ sở công an?
Ngày 13/6, trao đổi với chúng tôi, một đại diện Công an thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An cho biết, địa phương vừa đưa ông Nguyễn Văn Cần (51 tuổi, ngụ ấp 6, xã Tân Phước Tây) đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Long An để điều trị bệnh tâm thần nặng. Trước đó, ông Cần đã nhiều lần gây rối tại địa phương và đánh một số cán bộ công an bị thương. Tuy nhiên, do ông Cần bị tâm thần nên không bị truy tố trách nhiệm hình sự.
Được biết, trong vòng 4 tháng nay, ông Cần liên tiếp đến trụ sở công an quậy phá, gây rối với... chính quyền và người dân địa phương. Theo chia sẻ của một cán bộ công an huyện Tân Trụ, cứ rượu vào là ông Cần lại la hét chửi bới hàng xóm láng giềng khiến nhiều người phải tránh mặt đi nơi khác. Không dừng lại ở đó, mỗi lần say, ông Cần còn tìm đến trụ sở Công an thị trấn Tân Trụ để chửi bới và đòi... “xử” các cán bộ ở đây theo kiểu giang hồ.
“Ông ta đến la hét, chửi bới ngay trước trụ sở công an thị trấn. Nhiều lần ông ấy còn mang theo hung khí xông thẳng vào bên trong để la ó, nếu có cán bộ công an nào ngăn cản hoặc khuyên can thì sẽ bị ông ấy đánh. Vì đối tượng bị bệnh tâm thần nặng nên chúng tôi khó sử dụng biện pháp mạnh, chỉ nhờ người thân nhỏ nhẹ khuyên ông ấy về nhà”, một cán bộ công an thị trấn Tân Trụ chia sẻ.

Cứ mỗi lần say rượu, ông Cần lại gây rối tại trụ sở địa phương khiến cán bộ công an cũng phải "bó tay". (Ảnh minh họa)

Theo ước tính của cán bộ công an thị trấn Tân Trụ thì từ khoảng tháng 2/2015 đến nay, ông Cần đã 50 lần gây rối tại trụ sở công an, còn số lần gây rối tại UBND xã và địa phương thì không thể kể hết. Có lần, ông Cần còn ra tay đánh một số cán bộ công an bị thương do khuyên ông ta về nhà.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, ông Cần có tiền sử bị bệnh tâm thần nặng và lâu năm. Bình thường, ông chỉ quanh quẩn trong nhà. Tuy nhiên, sau mỗi lần uống rượu, ông lại đi khắp nơi để chửi bới. Trước đó, vào tháng 10/2013, Hội đồng giám định y khoa tỉnh Long An kết luận ông Cần bị bệnhtâm thần phân liệt, khuyết tật tâm thần mức độ nặng và đến cuối năm 2013, ông Cần được trợ cấp 270.000 đồng/tháng.
Người dân khốn đốn vì lão “Chí Phèo”
Tìm đến ấp 6, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, người dân nơi đây cho chúng tôi biết, thời điểm trước khi bị đưa vào trung tâm bảo trợ, ông Cần đã khiến không ít người dân địa phương phải lao đao vì tính khí “Chí Phèo” của mình.
Tiếp xúc với chúng tôi, anh Trần Thanh Hải (tên nhân vật đã thay đổi) – nạn nhân bị ông Cần hành hạ nhiều năm nay cho biết: “Từ trước đến giờ tôi với ông (ông Cần – PV) chưa từng xảy ra mâu thuẫn. Tôi gặp ông ấy thì vẫn chào hỏi đàng hoàng chứ không tỏ vẻ xem thường. Tuy nhiên, chỉ có một lần tôi đang nhậu với hàng xóm thì ông Cần vào nhậu cùng. Lúc đó tôi có chút chuyện nên xin phép ra về. Thế là ông Cần cho rằng tôi xem thường mình. Từ đó, hễ say rượu là ông ấy lại tìm đến nhà tôi chửi bới, thậm chí mang dao đến đòi “quyết tử” khiến tôi lo ngay ngáy”.
Từ khi bị ông Cần “để ý”, cuộc sống của anh Hảo bị xáo trộn. Mỗi lần ông Cần vác dao đến đòi “quyết tử”, anh Hải phải dẫn con nhỏ lánh mặt đi nơi khác. Có hôm ông Cần ngồi ì trước nhà anh cả đêm, anh Hải phải "tá túc" nhờ ở nhà người thân, chờ ông Cần “nguôi giận” mới dám về nhà.
“Nhiều lần bị hành như vậy tôi cũng ức chế lắm chứ. Tuy nhiên, do nghĩ ông ấy là người có tiền sử bệnh tâm thần, nếu mình có hành động không hay với ông ấy thành ra sẽ vi phạm pháp luật nên tôi hay tránh né. Hôm nào may mắn có người thân của ông Cần đến dỗ ngọt và đưa ông về nhà thì tôi đỡ khổ hơn, còn hôm nào ông ấy ngủ luôn trước cửa nhà tôi thì tôi phải chịu cảnh có nhà mà không dám về”, anh Hải chia sẻ.
Để đối phó với “Chí Phèo” Nguyễn Văn Cần, người dân tại ấp 6, xã Tân Phước Tây đã phải nghĩ ra rất nhiều cách, một trong những cách hiệu quả nhất là... mời ông Cần nhậu để “giảng hòa” mong được yên thân.
Ông Nguyễn Tĩnh (tên nhân vật đã được thay đổi) chia sẻ: “Lúc trước nhà tôi bị ông Cần tấn công liên tục, nào là chửi bới, mang dao đến dọa giết, ném đá vào nhà…Tôi nhờ chính quyền địa phương can thiệp thì ông ấy vác dao rượt đuổi. Tưởng là sẽ bị ông “Chí Phèo” này hành hạ lâu dài, nhưng may mắn có người chỉ cho tôi một cách là... mua rượu cho ông ấy uống rồi giảng hòa. Nghe lời, tôi mua một chai rượu cho ông ấy uống rồi năn nỉ giảng hòa dù chúng tôi chẳng có khúc mắc gì. Vậy là từ đó nhà tôi không bị quậy nữa. Nhiều người ở ấp này khi bị ông ấy quậy cũng dùng cách đó.”.
Được biết, cách đây 10 năm, do ông Cần liên tục đi khắp nơi gây rối nên gia đình và địa phương đã đưa ông đi chữa bệnh tại trung tâm bảo trợ. Tuy nhiên khi vào trung tâm, ông Cần có dấu hiệu đỡ bệnh nên gia đình đã xin cho ông Cần về điều trị tại nhà. Từ đó người dân địa phương lại phải tiếp tục gồng mình chịu đựng "Chí Phèo” thời hiện đại.
Hoàn cảnh gia đình ông Cần cũng khá khó khăn. Căn nhà của ông nằm ngay mặt đường, chỉ cách UBND xã Tân Phước Tây khoảng 100 mét. Theo người dân ở đây thì mấy tháng nay ông Cần chỉ ở một mình, nên khi ông đi điều trị bệnh, căn nhà bị bỏ hoang.
Trò chuyện với chúng tôi, bác Nguyễn Văn Sáu (52 tuổi, hàng xóm ông Cần) cho biết, hoàn cảnh của ông Cần rất đáng thương. Do ông bị bệnh nên không tìm được việc làm, hàng ngày chỉ quanh quẩn ở nhà. Theo bác Sáu, ông Cần là người sinh ra và lớn lên ở ấp 6. Ngay từ nhỏ ông đã có biểu hiện của bệnh tâm thần, tuy nhiên ở mức độ nhẹ, nhưng càng ngày thì bệnh lại càng nặng hơn. Thời gian trước, ông Cần sống với người vợ đầu nhưng không có con. Người phụ nữ này đã phải chịu cảnh bị chồng đánh đập trong nhiều năm rồi qua đời do bạo bệnh. Sau đó, ông Cần đi bước nữa, sinh được một người con gái (hiện đang học đại học tại TP HCM). Tuy nhiên, chung sống chưa được bao lâu, người vợ thứ hai đã “dứt áo ra đi”, để lại cho ông Cần một số nợ khổng lồ.
Bác Sáu tâm sự: “Trước kia, vợ hai của anh Cần làm nghề buôn bán tại địa phương và có tham gia chơi hụi, chơi góp gì đó. Cách đây khoảng 1 năm do chán nản cảnh sống chung với anh Cần nên đã ôm số tiền góp của nhiều người dân ở đây bỏ trốn, đến nay vẫn không biết cô ấy ở đâu. Anh ấy có một người con gái học trên Sài Gòn nhưng lâu rồi tôi không thấy về nhà, mà nếu có muốn về thì cũng chẳng dám về vì sợ bị anh ấy rượt đánh”.
Từ khi vợ hai ông Cần bỏ đi, bệnh của ông có phần nặng hơn. Hàng ngày, ông hiếm khi ăn cơm mà thay vào đó chỉ uống rượu cho qua ngày. Cứ mỗi lần say là ông Cần lại tìm ai đó để chửi bới hoặc rủ đánh nhau khiến người dân địa phương đều khiếp hãi.
Ông Trần Thanh Lượng (Trưởng ấp 6, xã Tân Phước Tây) cho hay: “Thời gian trước, bệnh anh Cần còn nhẹ, thỉnh thoảng mới quậy phá gây mất trật tự. Nhưng khoảng 4 tháng gần đây bệnh có chiều hướng nặng hơn, liên tục quậy phá, buộc chính quyền địa phương phải đưa đi chữa bệnh và người dân cũng ủng hộ giải pháp này. Khi nào khỏi bệnh, anh ấy sẽ trở về hòa nhập tại địa phương. Chúng tôi cũng mong muốn chính quyền các cấp tạo điều kiện hết mức để anh ấy được chữa khỏi bệnh sớm, về nhà hòa nhập sinh hoạt với anh em ở địa phương”.
Ngoài ông Cần, tại Tân Trụ còn có một “Chí Phèo” khác là Trương Minh Hoàng (44 tuổi, ngụ thị trấn Tân Trụ). Mỗi lần nhậu say, ông Hoàng lại vào chùa ở địa phương xin cơm ăn, sau đó quậy phá, đánh các nhà sư. Công an thị trấn Tân Trụ đã nhiều lần mời ông về làm rõ hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý làm hư hỏng tài sản. Tuy nhiên do hoàn cảnh của ông quá khó khăn, không có tiền để đóng phạt hành chính, cơ quan chức năng chỉ xử lý đối tượng ở mức đem ra giáo dục trước dân chúng.
PHƯỚC SƠ