“Đế chế đá đỏ” bắt đầu từ những câu chuyện đổi đời hết sức ngẫu nhiên của người dân bản địa vùng Châu Bình (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An).
Qua thời gian, những câu chuyện càng được thêu dệt trở nên ly kỳ hơn. Và từ đây, hàng vạn con người khắp các tỉnh, thành đánh bạc với số phận của mình, đi tìm sự đổi đời trong các mỏ đá giữa rừng thiêng nước độc.
Vô tình... đổi vận
Chúng tôi về vùng đất Quỳ Châu những ngày đầu tháng 11, nơi hơn 20 năm trước, “cơn bão đá” đỏ từng cuốn qua vùng đất Châu Bình (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An).
Những ký ức về một giai đoạn từng gieo rắc bao nỗi kinh hoàng cho người dân miền Tây xứ Nghệ như vẫn còn hiện hữu.
Nơi đây đã yên bình trở lại, những ngọn đồi tan hoang một thuở nay đã phủ kín màu xanh của cây tràm, bạch đàn. Chợ Tôm ở xã Châu Bình, nơi có ngã ba tử thần dẫn vào đồi Tỷ, địa danh mà 20 năm trước nổi lên là chợ đá tiếng tăm ở vùng đất này, nay đã trở lại đúng nghĩa của nó, với sản vật cây nhà lá vườn.
Cá, tôm dưới suối đánh lên, rau quả hái từ vườn nhà, thịt lợn trong chuồng nhà dân được mang ra bày bán. Chúng tôi ghé thăm khu vực Trại Bò (nằm giáp ranh giữa Quỳ Hợp và Quỳ Châu), nơi giao thương sầm uất nhất thời đá đỏ những năm 90 của thế kỷ trước và được biết, những người từng trải qua “đế chế đá đỏ” vẫn giữ nguyên những ký ức thời đó.
|
Họ kể, thuở sơ khai của “thập niên đá đỏ”, người dân xung quanh các mỏ đá chưa biết giá trị thực của nó. Kiếm được viên đá lạ, màu đỏ tía là mang đi đổi lấy vài gói mỳ chính, hay chút gạo, vài lạng thịt... là họ cảm thấy vui khôn xiết.
Mãi đến khi dân khai thác từ đâu đến, ồ ạt tìm kiếm, họ mới biết sức hút chết người từ những “giọt máu” của đất, nơi mình sinh sống. Lúc đó, vẫn có nhiều người đổi đời vô tình nhờ “đá đỏ”.
Thậm chí, có người mổ diều gà ra còn thấy đá đỏ bên trong, mang đi bán cũng được gần hai chục triệu đồng. Vợ chồng thương gia Trần Thị Hường (xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) là một trong những nhân chứng còn bám nghề buôn đá quý từ những ngày khởi nguồn của “thập niên đá đỏ”.
Trong ký ức của họ, những câu chuyện ly kỳ về các cuộc đổi vận từ đá đỏ Quỳ Châu vẫn còn vẹn nguyên như mới diễn ra. Chị Hường kể:
“Thời đó, tiền có giá trị, chuyện vô tình nhặt được đá đỏ tại Quỳ Châu khá phổ biến, đặc biệt là sau những cơn mưa lớn, đất bị xói, đá trơ ra, nhiều người ra đồng, nhặt được viên đá đỏ lớn chút là có khoản tiền khá để làm ăn.
Như chị Thủy (Châu Bình, Quỳ Châu), sau cơn mưa, nhặt được viên ruby chừng 8 cara (1 cara = 0,2g), về bán được 17 triệu đồng. Hay Hùng Loan (người trong vùng), cũng nhặt được viên saphia xanh lớn, bán gần chục triệu đồng”.
Thậm chí, có người đi cuốc, cày ruộng cũng nhặt được đá đỏ và đổi đời nhanh chóng. Như chị L., trong lúc vạt cỏ ngoài bờ ruộng, nhặt được viên ruby, bán được 31 triệu đồng.
Ông Mong (Quỳ Châu, Nghệ An) trong lúc cày ruộng nhặt một viên, bán được 160 triệu đồng. “Lại có tin, ngay gốc cây ngái, thuộc dốc Cổ Cò, ông Chiến là người đào được cả viên to bằng quả trứng, bán 140 triệu đồng cho một người Thái Lan.
Đỉnh điểm là ông Thiệp cũng ở Quỳ Châu, khi lang thang trên đồi Tỷ đã nhặt được viên đá đỏ 85 cara, bán cho 2 người Thái Lan được 1,6 tỉ đồng”, chị Hường kể lại.
Dân làm đá nhiều người hên, nhưng chẳng thiếu người đào vài ngày chẳng được gì. Có người, vì chán nản ngồi nhặt cục đất bẻ ra chơi lại tìm thấy đá đỏ.
Đó là câu chuyện của anh Đỗ Văn Đằng, đi đào đãi hai ngày chẳng được gì, vô tình nhặt viên đất, bẻ đôi ra thấy viên ruby, bán được 35 triệu đồng.
Hài hước hơn, có người miệt mài đào cả ngày chẳng được chút đá nào, lên miệng hố, đi tiểu làm đất dạt ra, trước mặt bỗng đâu có viên đá đỏ lớn, thế là đời sang trang mới.
Cơn khát “giọt máu” của đất
Một đồn thành mười, mười đồn thành trăm, cứ như vậy, những người mang giấc mộng đổi đời ồ ạt đổ về đất Quỳ Châu và cơn khát đá đỏ lên đến đỉnh điểm.
“Đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, dọc con đường 48 thuộc khu vực Quỳ Hợp – Quỳ Châu, có ngày, riêng xe ô tô 35 chỗ biển Nam Định đổ xuống Quỳ Châu chục chuyến, mỗi chuyến trên trăm người, người chất cả lên trên nóc xe đổ về đây”, một người dân trong vùng kể lại.
“Dân tứ xứ tập trung về đây hàng vạn người, người nào cũng mang trong mình khát vọng được thượng đế ban cho vận may, tìm được những viên đá bạc triệu, bạc tỉ.
Hàng chục héc-ta ruộng, hàng trăm héc-ta rừng bị cày lên, có cảm giác như đất bị lục tung lên. Mảnh đất Châu Bình yên bình ngày nào nhanh chóng trở thành một “bãi chiến trường”. Một hộ dân thuộc khu vực Châu Bình có khoảng vài chục, thậm chí đến trăm người ở trọ.
Họ về đây từ khắp các tỉnh Bắc – Trung – Nam”, chị Hường cho biết thêm. “Lúc đó hỗn tạp vô cùng, quy định về khai thác tài nguyên chưa rõ ràng, chính quyền địa phương cũng bất lực.
Sau khi lực lượng công an được huy động để bảo vệ những mỏ đá, nạn khai thác lậu và tệ nạn xã hội tuy có giảm đi, nhưng trước dòng người “khát đá đỏ” đổ về quá đông, lực lượng này chỉ hạn chế được một phần nào”, anh Phan Đình Hiếu (SN 1972, ở Châu Bình, Quỳ Châu, Nghệ An – chồng chị Hường), người gắn bó với “đá đỏ” từ những ngày đầu của thập niên 90 tâm sự.
Cũng trong thời gian đó, hàng trăm con buôn người bản địa, rồi từ các tỉnh khác, thậm chí có cả những đoàn thương gia đến từ Campuchia, Thái Lan... đổ về đây mong giải cơn khát tìm đá.
“Lúc đó, mình cũng đắm đuối với đá đỏ. Có khi đứng cả ngày dưới trời mưa cạnh các hố sa, chờ dân đãi được đá thì mua lại. Ngày được, ngày không, nhưng dường như “ma lực” của nó khiến mình như bị thôi miên. Nhưng mua được đá là có lãi, đá to lãi to. Có viên mua 56 triệu đồng, mang ra Hà Nội bán được hơn 200 triệu đồng”, chị Hường thật thà kể.
Bất chấp đời sống thiếu thốn, thời tiết khô khan, mưa nắng dãi dầm, trong các khu rừng vắng, những “con thiêu thân” vẫn miệt mài lao vào “cơn khát ruby”.
Tệ nạn xã hội bày ra, dân các xã trong huyện Quỳ Châu khốn đốn vì sản xuất đình trệ. Đó là chưa kể, hàng vạn người từ nơi khác bỏ ruộng nương lên đây đào đãi.
Tệ nạn mại dâm, trộm cắp, trấn lột, rồi sập hầm, chết người... xảy ra. Không một ai là không đối mặt với những hiểm nguy rình rập.
Đá đỏ đực - cái
Đá đỏ – ruby đứng đầu trong tất cả các loại đá quý: Cực hiếm, cực quý và cực đắt. Trên thị trường thế giới, ruby có màu đỏ đậm kiểu máu bồ câu được gọi là ruby đực (masculin ruby). Ở Việt Nam, điển hình cho ruby đực có ở Quỳ Hợp, Quỳ Châu (Nghệ An), còn ruby có màu đỏ kém hơn, nhạt hơn hoặc đục hơn được gọi là ruby cái (féminine ruby). Điển hình cho ruby cái là ở Lục Yên (Yên Bái).
|
Đoàn Tân- Diệu Nam