Liên quan đến vấn đề “sự cố” tiêm chủng tại 182 Lương Thế Vinh, cũng như việc đưa ra những giải pháp nhằm giúp người dân đi tiêm chủng dịch vụ được thuận lợi nhất, ngày 31/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có những giải đáp liên quan đến vấn đề này.
92% trẻ tiêm vắc xin Quinvaxem
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, không có tiêm chủng mở rộng (TCMR) trong thời gian qua thì dịch bệnh sẽ có nguy cơ bùng phát rất lớn. Trong 3 thập kỷ qua, có những bệnh đến nay thế hệ các bạn không còn thấy như bệnh như bại liệt, rồi bạc hầu, ho gà, uốn ván, sởi… trước đây gây tử vong rất nhiều thì nay đã được khống chế.
Bộ Y tế, Chính phủ, Nhà nước đã lo cho dân đủ vắc xin TCMR, trong đó có Quinvaxem. Chúng tôi đã thống kê, tiêm dịch vụ vắc xin 5 trong 1 chỉ chiếm 8%, trong khi TCMR chiếm đến 92% trẻ trong độ tuổi tiêm vắc xin này.
Thế giới cũng đã chứng minh, phản ứng nặng của vắc xin Quinvaxem cũng như các vắc xin khác. Nếu Việt Nam tiêm 4,5 triệu liều Pentaxim như Quinvaxem thì chắc chắn cũng có tỷ lệ tai biến. Nhưng đến nay, mỗi năm chỉ có khoảng 100.000 liều/33 nghìn trẻ, còn Quinvaxem là 4.500.000 liều/1,5 triệu trẻ.
Ngành y tế vẫn lo đủ Quinvaxem cho trẻ em. Còn tại các thành phố lớn, người dân có nhu cầu, có điều kiện đăng kí tiêm dịch vụ, thậm chí ra nước ngoài tiêm, cũng giống như việc ra nước ngoài chữa bệnh là hiện tượng hoàn toàn bình thường, không có gì bất thường.
Bộ Y tế đã cố gắng hết sức
Liên quan đến sự cố chen lấn, xô đẩy tại điểm tiêm chủng Polyvac, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Tôi đã gặp đại diện điểm tiêm này và truy vấn họ: Tại sao xung phong tiêm trước mà không có sự chuẩn bị kỹ? Đến khi dân xếp hàng đông quá, gây hỗn loạn, sợ quá ngừng tiêm làm người dân bức xúc? Đây chỉ là một điểm tiêm rất nhỏ, sự cố chỉ trong vòng mấy trăm người xếp hàng tại điểm tiêm, trong khi chúng ta đang có cả vài chục ngàn liều vắc xin"".
Cái này trước hết ngành y tế cũng nhận trách nhiệm vì tổ chức dịch vụ không được tốt. Nhưng lẽ ra, nếu người dân bình tĩnh xếp hàng, lấy số, không chen lấn, trẻ sẽ được tiêm trong trật tự.
Quan điểm của tôi, đích cuối cùng của ngành y tế là phục vụ người dân. Nếu không phục vụ người dân, cuộc sống, làm việc của chúng ta cũng vô nghĩa. Không tổ chức tốt, làm rối ren lên, người dân không được gì, chúng ta cũng không được việc.
Bà Tiến khẳng định, số trẻ tiêm vắc xin dịch vụ chỉ chiếm 8% trong tổng số trẻ trong độ tuổi tiêm “5 trong 1”, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đã Nẵng, còn lại là trẻ tiêm Quinvaxem.
Nếu không tiêm Quinvaxem thì dịch đã bùng phát và kể cả số lượng trẻ đang chờ đợi tiêm dịch vụ trong đợt này nếu không được tiêm thì dịch sẽ bùng phát ngay”.
Theo Bộ trưởng Tiến, thực chất Bộ Y tế đã cố gắng hết sức để có được vắc xin dịch vụ về phục vụ nhu cầu của nhân dân, nhưng do khan hiếm nguồn vắc xin, nên không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước cũng chung cảnh ngộ.
“Ngành y tế đã cố gắng hết sức để có được 200.000 liều đó, các đồng chí phải hiểu hiện giờ vắc xin đó không phải dễ mua và dễ đàm phán. Tôi đã yêu cầu Cục Quản lý Dược đi các nước hỏi thì các nước trả lời: Chúng tôi cũng muốn bán để có tiền, người nhập khẩu họ cũng rất muốn nhập về để kiếm lời, còn điểm dịch vụ họ cũng muốn tiêm càng nhiều càng tốt để họ kiếm lợi nhuận.
Tuy nhiên, tất cả đều không có chứ đâu phải mỗi nước ta không có, Cục Dược đã đi sang nước nọ, nước kia để đàm phán, nhưng họ bảo không có là không có. Các hãng sản xuất họ luôn nói lúc nào cũng sẵn sàng hợp tác, cố gắng nỗ lực hết sức, nhưng trong giai đoạn hiện nay rất khó khăn, bởi vậy họ không thể cung ứng được.
Vừa rồi, phải gây áp lực với họ về tình nghĩa lý lẽ, phải nhượng mỗi chỗ một ít, góp lại thì được số vắc xin đó. Đến năm sau chưa chắc đã có và chúng tôi phải hướng vào một loại vắc xin mới”, Bộ trưởng Tiến nói.
Chắc chắn có phản ứng sau khi tiêm vắc xin
Hiện nay với những trường hợp trẻ tử vong do tiêm vắc xin, điều này có thể do trùng lặp hoặc cũng có thể là do vắc xin. Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng: “Tiêm vắc xin với tỉ lệ bảo vệ gần hết hầu như không bị mắc bệnh hoặc mắc rất nhẹ và gần như không tử vong.
Nhưng nếu tiêm thì chắc chắn có 1-4 trường hợp tai biến nặng có thể tử vong chưa kể do các nguyên nhân khác như bệnh trùng lặp. Nhưng nếu không tiêm, có thể số trẻ tử vong ít nhất là 100.
Hiện nay, nếu không tiêm chủng gì hết thì 1 ngày chúng ta cũng có 30 trẻ tử vong do mọi nguyên nhân. Nhưng mọi tai biến y khoa bây giờ báo chí rất nhanh họ đưa lên ngay, chứ ngày xưa chắc chắn tử vong nhiều hơn nhiều nhưng lúc đó truyền thông chưa có mạng lưới như bây giờ.
Giờ chúng ta thử so sánh như này, nếu không tiêm 1 loại vắc xin nào đó, số ca mắc có thể hàng trăm ngàn hoặc hơn, tử vong ít nhất 100-200 hoặc hơn, nhất là khi xuất hiện các dịch mới nổi hiện nay, các nước phát triển cũng có tử vong.
Còn nếu tiêm, dù vắc xin nào đi chăng nữa thì cũng tử vong ít nhất từ 1-4 trường hợp /1 triệu trẻ được tiêm. Còn nếu nó trùng lặp các bệnh kèm theo như tim bẩm sinh, bây giờ tuyến xã làm sao phát hiện được tim bẩm sinh được, rối loạn miễn dịch rồi các bệnh di truyền.
Để đạt được mục đích phòng bệnh và miễn dịch tốt trong cộng đồng, Bộ Y tế kêu gọi người dân hãy đưa con đi tiêm chủng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đúng lịch, đủ mũi và không nên chờ đợi vắc xin dịch vụ.