News

6/recent/ticker-posts

Cách phân biệt thịt bò, lợn cho uống thuốc ngủ rồi bơm nước

Để nước ngấm được nhiều vào cơ thể bò, lợn, các gian thương thường cho con vật uống thuốc ngủ. Việc làm này gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Gần đây, các cơ quan chức năng liên tiếp bắt các vụ gian thương bơm nước vào thịt lợn, thịt bò khiến tiêu dùng lo ngại rằng hàng ngày ăn phải thịt bơm nước. Hơn nữa, hành vi này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người ăn.


Chia sẻ về vấn đề này PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm của trường ĐH Bách Khoa Hà nội cho rằng: "Thực chất việc bơm nước thông thường thì không gây ra tác hại gì nguy hiểm. Chắc chắn người kinh doanh cũng không dại gì dùng nước cống, nước thải để bơm vào con vật. Đây vốn được coi là một hành vi gian lận thương mại của người kinh doanh.

Tuy nhiên, trong quá trình bơm nước, để con vật không bị ói nước ra và để cho nước giữ được lâu trong cơ thể, ngấm vào thịt nhiều thì người ta thường cho gia súc uống thuốc ngủ. Đây mới chính là cái độc, cái tai hại. Thuốc ngủ mới là cái độc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người ăn, còn nước thì không có gì độc cả.

Theo tôi, việc làm nguy hại này cần phải có mức phạt thật nặng, các cơ quan chức năng đã phát hiện ra rồi thì phải có mức phạt thật nặng. Cần phải có hình thức ngăn chặn từ trên còn việc nhận biết, phân biệt bằng mắt thường của người tiêu dùng là rất khó".

Trước thực trạng các tiểu thương dùng mánh khóe tinh vi này trong buôn bán, người mua vẫn nên phòng cho mình một vài mẹo hữu ích để biết cách nhận biết, phân biệt thịt lợn, thịt bò sạch và loại thịt đã bị bơm nước.

Để giúp người tiêu dùng có được những thông tin hữu ích trong vấn đề này, PV báo Phụ Nữ TP.HCM đã có cuộc khảo sát thực tế và nhận được rất nhiều chia sẻ của người bán hàng.

Chị Đỗ Thị Mười (44 tuổi, bán hàng thịt lợn tại chợ Ngã Tư Sở, Hà Nội) cho hay: "Theo kinh nghiệm của tôi thì việc phân biệt thịt lợn sạch là thịt lợn đã bị bơm nước cũng không phải là khó. Thịt tươi ngon sẽ có độ săn chắc nhất định, sờ vào thớ thịt cảm giác đàn hồi, màng ngoài khô và dính, khối thịt săn chắc. Để phân biệt kĩ hơn, thử cắt miếng thịt ra, không thấy có nước chảy ra, vết cắt ra sẽ có màu sắc bình thường, sáng và khô, không bị nhớt.

Thịt bị bơm nước tăng trọng thường có màu nhạt hơn, miếng thịt nhão, thớ cơ bở hơn, để 1-2 giờ thịt rỉ nước ra nhiều hơn bình thường, và dễ bị nhớt, khi nấu thịt cũng tiết ra nhiều nước hơn.

Khi luộc, thịt sạch sẽ không để lại váng bẩn, nước trong, váng mỡ to và có mùi thơm. Trong khi đó, thịt bị bơm nước sẽ để lại rất nhiều váng đục, có mùi hôi, không được thơm và ngọt đậm đà như thịt không bị bơm nước".

Còn với việc nhận biết thịt bò bơm nước, chị Hồ Thanh Hà (một chủ cửa hàng bán thịt bò sạch tại phố Đại La, Hà Nội) cho biết: "Thịt bò bị bơm nước thường có màu sắc không đều, không đỏ tươi tự nhiên, sờ vào không cảm nhận được độ dẻo, khi ấn tay vào thấy bùng nhùng, quan sát kĩ sẽ thấy nước rỉ ra, để lâu sẽ bị nhớt và có mùi hôi. Khi cắt sẽ thấy đường cắt rỉ nước nhiều, cơ bị giãn và thịt tái màu, biến sắc.

Khi thái miếng thịt không dính dao, đem xào nấu thì co lại. Người bán loại thịt bò bơm nước thường lót vải, bìa cát tông dưới miếng thịt để thấm nước.

Còn thịt bò sạch, ngon thì miếng thịt khô mịn, thớ thịt nhỏ, có ánh màu sáng, sờ tay có độ dẻo dính. Khi thái, miếng thịt thường dính dao. Mỡ bò phải có màu vàng tươi, gân bò màu trắng và khi ấn vào thì thấy cứng. Khi xào nấu, thịt sẽ nở ra".