Ông Phàm chiều nay cho biết: “PV hỏi tôi khi xây dựng nhà máy thì lượng cá tôm đánh bắt được ít và không được đánh bắt ở khu vực này. Tôi trả lời rằng, khi chúng tôi vào đầu tư thì được cấp đất và một diện tích biển để làm cảng.
Tỉnh đã giải phóng mặt bằng, người dân được tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi nghề. Trong khu vực phạm vi cảng FHS người dân không thể vào đó đánh bắt vì tàu bè công suất lớn đi lại nhiều, lỡ xảy ra thì sao”.
GĐ đối ngoại tập đoàn Formosa Chu Xuân Phàm (phải). Ảnh: Duy Tuấn
|
VietNamNet cũng trao đổi với Giám đốc Trung tâm an toàn vệ sinh môi trường (tập đoàn Formosa) Hoàng Dật Thuyên về nghi vấn Formosa dùng hoá chất tẩy rửa đường ống, xả ra biển nhưng không xin phép.
Bộ Công thương cấp phép nhập 296 tấn hoá chất
Ông Thuyên cho biết, việc trong 4 tháng qua, Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã nhập về 296 tấn hoá chất là đã được Bộ Công thương cấp phép các danh mục hoá chất được phép nhập. Từ đó cơ quan Hải quan mới cho thông quan lô hàng này.
“296 tấn hoá chất đó chúng tôi không chỉ để dùng tẩy rửa đường ống, bởi ngoài dùng hoá chất thì còn có nhiều phương pháp khác để tẩy rửa. Hoá chất đó chủ yếu dùng để vào nước làm nguội. Hai loại hoá chất chủ yếu dùng tẩy rửa là HCL và NAOH.
Nước thải phát sinh sau tẩy rửa sẽ được xử lý qua trạm xử lý nước thải công nghiệp, sau đó mới thải ra hệ thống quan trắc tự động. Đảm bảo các tiêu chuẩn thì mới thải ra biển”, ông Thuyên nói.
“Chúng tôi không thấy quy định nào bảo là khi tẩy rửa đường ống thì phải xin phép cơ quan chức năng. Chúng tôi chỉ xin phép vận hành thử. Trong nhà máy có hàng nghìn loại đường ống, không thể cứ rửa đường ống nào chúng tôi cũng phải xin phép mới được làm”, ông Thuyên nói.
Đại diện FHS cũng cho biết , hệ thống xử lý nước thải của công ty đã vượt tiêu chuẩn mà VN quy định. “VN không bắt buộc các DN phải trang bị máy quan trắc tự động, nhưng do đây là quy định của tập đoàn FHS nên chúng tôi phải trang bị. Kinh phí đầu tư hệ thống xử lý nước và trạm quan trắc hơn 45 triệu đô”.
Hệ thống xả thải của Fomosa |
PV đặt câu hỏi, ai sẽ giám sát kết quả quan trắc tự động khi cơ quan giám sát là Sở TN&MT chưa có thiết bị đấu nối trạm quan trắc? Ai đảm bảo nước thải ra đã được xử lý?
“Theo quy định của công ty, ngoài trạm quan trắc tự động lấy mẫu kiểm tra thì công ty còn có 1 bộ phận lấy mẫu thủ công, khi kiểm nghiệm 2 mẫu chung chỉ số thì mới xả thải ra môi trường. Ngoài ra chúng tôi có hợp đồng với Trung tâm quan trắc môi trường Hà Tĩnh, mỗi tháng chúng tôi báo cáo 1 lần, và họ vào lấy mẫu 1 lần”, đại diện FHS cho biết.
Trong tháng 2 và tháng 3 Trung tâm có vào lấy mẫu, còn tháng 4 này chưa thấy.
Ông Thuyên cũng nói thêm, “không có quy định nào bắt DN phải báo cáo kết quả quan trắc hàng ngày với cơ quan chức năng. Tuy nhiên cơ quan quản lý có thể kiểm tra chúng tôi bất cứ lúc nào. Các mẫu hàng ngày chúng tôi đều lưu đủ”.
PV tiếp tục chất vấn, “trong trường hợp cơ quan chức năng VN tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng cá chết có yếu tố chất độc liên quan đến các loại hoá chất mà công ty sử dụng thì công ty sẽ nói gì?”
Đại diện FHS cho biết: Chúng tôi không thể trả lời câu này, tuy nhiên công ty luôn tuân thủ pháp luật VN. Ai sai thì phải bị xử lý. Chúng tôi có niềm tin trong công tác xử lý nước thải ra và bảo vệ môi trường, luôn lấy tiêu chuẩn cao nhất để thực hiện. Đó là yêu cầu bắt buộc của tập đoàn.
“10 tỷ đô đầu tư, ai dại gì xả lén”
Trước nghi vấn có đường ống khác ngoài đường ống trong thiết kế chạy ngầm, đại diện FHS khẳng định không có chuyện đó. “Chúng tôi bỏ ra hơn 10 tỷ đô la rồi, chả nhẽ vì cái đường ống xả lén mà đánh đổi tất cả. Và hệ thống xử lý của chúng tôi tới 45 triệu đô, không thể lắp đặt rồi để không đấy”.
Liên quan đến vấn đề mỗi ngày FHS xả thải 12.000m3, ai sẽ kiểm soát, trong lúc Sở TNMT chưa có thiết bị đấu nối, đại diện FHS nói rằng, quy định hiện hành họ được biết thì công ty chỉ phải báo cáo bằng văn bản 1 tháng 1 lần.
“Hệ thống xử lý của FHS Đồng Nai cũng tương tự như Hà Tĩnh. Nếu ở đây có thiết bị đấu nối để đồng bộ thì sẽ kiểm soát hàng ngày được”, ông Thuyên nói.
Trước nghi ngại đường ống ngầm của FHS sâu dưới nước 17m, dài 1,5km thì không ai kiểm soát được, vị đại diện FHS lý giải, nếu xả thải gần bờ thì sẽ ảnh hưởng tới hệ sinh thái ven bờ. Công ty chôn đường ống ngầm dưới biển và xa 1,5km thì sẽ đảm bảo hơn. Và cũng không thể nào thi công đường ống nổi được.