News

6/recent/ticker-posts

Dẹp bỏ chất cấm khỏi thức ăn: Thái Lan mất 6 năm, Việt Nam chỉ mất 6 tháng?

“Thái Lan phải mất 6-7 năm mới khống chế được việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trong khi, Việt Nam chỉ mất 6-7 tháng là cơ bản khống chế được”.

Bên lề cuộc hội thảo “quản lý chất cấm trong chăn nuôi” diễn ra mới đây tại Hà Nội, Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Việt đánh giá: Chất kháng sinh có trong gia súc, gia cầm còn "nguy hiểm hơn cả chất tạo nạc".

Theo thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy, có đến 75% kháng sinh trong chăn nuôi được nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng không được quản lý chặt chẽ trong tiêu thụ. Do đó, kháng sinh hiện nay đang tung hoành sử dụng từ chăn nuôi heo, gà, trâu, bò đến thủy sản. Trong khi đó, chất tạo nạc cấm chỉ được sử dụng ở một số ít hộ nuôi heo.

Ông Việt cho rằng, tồn dư kháng sinh trong thịt sẽ đi vào cơ thể người dùng, dẫn đến nguy cơ kháng thuốc kháng sinh - một vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe của người dân.
Năm 2016, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục nỗ lực để ngăn chặn chất cấm, trong đó tập trung vào kháng sinh trong nuôi thủy sản, bắt đầu từ các công ty nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất thuốc.

Thực tế, việc khống chế nguồn cung gặp nhiều khó khăn, bởi kháng sinh có nhiều chất cho phép trong thú y nhưng lại bị cấm dùng trong nuôi trồng thủy sản. Tuy vậy, “người tiêu dùng hầu hết vẫn chưa biết được mức độ nguy hại của việc sử dụng thuốc kháng sinh cho vật nuôi”, ông Việt cho biết.

Ông Việt cũng nhấn mạnh: Thực tế vấn đề an toàn thực phẩm đang nổi cộm, là nỗi lo thường trực của người dân, biết bao căn bệnh quái ác đã xảy ra, tỷ lệ ung thư của Việt Nam ngày một cao và hàng ngày trên báo đài thường xuyên đưa tin đây đó xảy ra ngộ độc thực phẩm của các cháu học sinh tại các bếp tập thể, của các anh chị công nhân tại các nhà máy…

Để giải quyết dứt điểm việc sử dụng “chất cấm” trong chăn nuôi, theo ông Việt, phải quyết liệt trong việc khống chế hàng nhập lậu.

“Hiện nay, Bộ đã có kế hoạch thanh tra để tạm dừng nhập khẩu một số nguyên liệu kháng sinh. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh lại cho phù hợp” – ông Việt nói.

Chất kháng sinh có trong gia súc, gia cầm còn "nguy hiểm hơn cả chất tạo nạc". Ảnh minh họa.

Bộ Luật Hình sự có hiệu lực sau 1/7/2016, bất cứ tổ chức, cá nhân nào khi sử dụng chất cấm có thể phạt tù, thậm chí bị phạt tù tới 20 năm nếu gây ra hậu quả chết người nghiêm trọng.

“Điều luật này sẽ khiến các hộ kinh doanh phải cân nhắc. Bởi nếu là tôi, tôi sẽ không bao giờ sử dụng bởi vì chỉ cần cơ quan phát hiện, ngoài chuyện hàng hóa, thực phẩm bị tiêu hủy, phạt tiền, người chủ dứt khoát phải đi tù” – ông Việt nhấn mạnh.

Vị Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT cũng thông tin thêm: Thái Lan phải mất 6-7 năm mới khống chế được việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thì Việt Nam mới chỉ mất 6-7 tháng, cơ bản đã khống chế được.

“Với những nỗ lực không ngừng, tôi tin rằng chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng chất cấm trong năm 2016 này là có thể làm được”, ông Việt nhấn mạnh.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra sáng 27/4 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng cho rằng tình hình an toàn thực phẩm hiện nay là đáng báo động, tràn lan, phức tạp, nguy hiểm.

Ông Thăng thẳng thắn: “Các số liệu mà các Bộ đưa ra, tỷ lệ thực phẩm bẩn chỉ có 5% - 7%. Tôi không tin, vì thực tế nó phức tạp hơn nhiều. Các cơ quan chức năng tích cực thực hiện có giảm không, câu trả lời là không giảm”.