News

6/recent/ticker-posts

Châu Đình và trùm truyền thông Jimmy Lai được tại ngoại

Tối 11-8, Jimmy Lai cùng hai con trai đã được cho tại ngoại sau khi nộp 500.000 đôla Hong Kong bảo lãnh. Agnes Chow (Châu Đình), một trong những lãnh đạo của phong trào Demosisto cùng với Hoàng Chi Phong, cũng được thả sau đó vài tiếng.

Agnes Chow (Châu Đình) khi bị bắt tối 11-8 - Ảnh: REUTERS

Ông Lai, chủ nhiệm nhật báo Apple của Hong Kong, bị bắt cùng hai con trai hôm 10-8 với cáo buộc vi phạm luật an ninh quốc gia. Châu Đình cũng bị bắt trong tối cùng ngày với lý do tương tự.

Tờ Oriental Daily bản tiếng Hoa cho biết ông Lai được cho tại ngoại ngày 11-8 sau khi nộp số tiền bảo lãnh 500.000 đôla Hong Kong (khoảng 64.500 USD). Châu Đình cho biết số tiền cô phải nộp là 200.000 đôla Hong Kong.

Hãng thông tấn AFP mô tả khi ông Lai rời đồn cảnh sát, đám đông nhà báo và những người ủng hộ đã vây quanh ông, một số người vẫy tờ Apple để thể hiện sự ủng hộ. Doanh số nhật báo Apple đã tăng vọt lên hơn 550.000 bản từ 70.000 bản sau khi ông Lai bị bắt.

Nhiều người Hong Kong đã xếp hàng từ khuya để mua tờ báo có trang bìa in hình ông Lai bị còng tay cùng dòng tít lớn: "Nhật báo Apple sẽ tiếp tục chiến đấu". Khoảng 200 cảnh sát đã lục soát tòa soạn Apple sau khi ông Lai bị bắt.

Theo Văn phòng sự vụ Hong Kong và Macau, tỉ phú Jimmy Lai bị bắt vì cấu kết với thế lực nước ngoài đe dọa an ninh quốc gia Trung Quốc - một trong những hành vi bị cấm trong luật an ninh quốc gia.

Sau khi được bảo lãnh, Châu Đình cho biết cô bị cảnh sát cáo buộc thông đồng với các lực lượng nước ngoài thông qua mạng xã hội kể từ tháng 7 - thời điểm luật an ninh quốc gia có hiệu lực.

Châu Đình xác nhận chính quyền đã tước hộ chiếu của cô để phòng việc bỏ trốn. Vụ bắt giữ Châu Đình đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế và Nhật Bản nói riêng. Châu Đình nói thạo tiếng Nhật và nhận được nhiều sự quan tâm từ truyền thông nước này.

Hashtag #FreeAgnes trở thành từ khóa nổi bật trên Twitter Nhật Bản. Một số nghị sĩ Nhật Bản lên tiếng quan ngại về vụ bắt giữ Châu Đình nhưng vấp phải sự phản đối của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một nhóm quan chức Trung Quốc và Hong Kong - bao gồm cả lãnh đạo đặc khu là bà Carrie Lam - để phản ứng lại các vụ bắt giữ ngày 10-8.