News

6/recent/ticker-posts

Malaysia phản bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Malaysia đã phản đối yêu sách chủ quyền mở rộng của Trung Quốc tại Biển Đông dù đây là động thái hiếm thấy của quốc gia Đông Nam Á với đối tác thương mại lớn nhất của mình.

Tàu tác chiến ven bờ của Mỹ USS Gabrielle Giffords ngày 12/5 di chuyển gần tàu khoan thăm dò West Capella của Malaysia trên Biển Đông. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Phát biểu trước Quốc hội Malaysia ngày 13/8, Ngoại trưởng Hishammuddin Hussein cho biết cách đây hai tuần, chính phủ nước này đã đệ trình công hàm lên Liên Hợp Quốc về quyền chủ quyền của Malaysia đối với thềm lục địa mở rộng bên ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở. 

Ông Hussein cho biết đây là phản ứng của Malaysia trước việc Trung Quốc ngày 12/12/2019 cũng gửi bản đệ trình tương tự lên Liên Hợp Quốc. 

“Malaysia phản đối yêu sách của Trung Quốc rằng họ có quyền lịch sử đối với những vùng biển này. Chính phủ Malaysia cũng cho rằng yêu sách của Trung Quốc đối với các thực thể hàng hải ở Biển Đông không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào xét theo luật pháp quốc tế”, Ngoại trưởng Hussein nhấn mạnh. 

Malaysia bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về "quyền lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán" liên quan đến các khu vực hàng hải ở Biển Đông được bao quanh bởi cái mà Bắc Kinh gọi là "đường chín đoạn".

"Yêu sách của Trung Quốc trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và không có giá trị pháp lý vì chúng vượt quá những ranh giới địa lý và giới hạn các quyền lợi hàng hải của Trung Quốc quy định theo công ước", công hàm của Malaysia nêu rõ.

Theo Bloomberg, đây là phản ứng hiếm thấy của Malaysia khi nước này lâu nay vẫn tránh công khai chỉ trích Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.

Trước Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Mỹ và Australia cũng gửi công hàm ngoại giao lên Liên Hợp Quốc để bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây không đơn thuần là công hàm ngoại giao giữa hai quốc gia, mà được đệ trình lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc với đề nghị lưu hành rộng rãi tới các nước thành viên khác của Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Hussein thừa nhận Malaysia vẫn sẽ tiếp tục cẩn trọng trong việc bảo vệ tuyên bố chủ quyền để tránh leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Ông Hussein cho biết Malaysia sẽ hợp tác để hướng tới một giải pháp trong ASEAN, trong bối cảnh hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vẫn đang thảo luận với Trung Quốc để xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông dù các cuộc đàm phán đang bị đình trệ do dịch Covid-19.

“Nếu chạy theo định hướng và sức ép từ các cường quốc, các nước ASEAN nhiều khả năng sẽ có nguy cơ phải lệ thuộc vào một số quốc gia nhất định”, Ngoại trưởng Malaysia cho biết.

Vào giữa tháng 4, trong suốt một tháng, tàu địa chất của Trung Quốc đã có hành vi quấy rối đối với tàu West Capella của Malaysia ở Biển Đông, khi tàu Malaysia đang tiến hành hoạt động khoan thăm dò tại hai mỏ dầu ở Biển Đông. Đây không phải lần đầu tiên tàu Trung Quốc cho thấy hành động gây hấn ở Biển Đông trong năm nay.

Sau khi xảy ra vụ việc trên, Hải quân Mỹ hồi tháng 5 đã điều các tàu tác chiến ven bờ USS Montgomery, USS Gabrielle Giffords và tàu tiếp vận Cesar Chavez thực hiện cuộc tuần tra hàng hải gần khu vực hoạt động của tàu West Capella. Động thái này được cho là nhằm thể hiện cam kết của Mỹ về việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông - nơi mọi tàu thuyền, máy bay đều có quyền hoạt động theo luật pháp quốc tế, đồng thời gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc.