News

6/recent/ticker-posts

Con sát hại một lúc 2 mạng người, cha tán gia bại sản

Khi con trai gây án, ông cầm cố sổ đỏ, vay mượn khắp nơi "hỗ trợ" cho gia đình bị hại. Ông bảo mạng người biết bao nhiêu mà đền bù cho đủ, chỉ mong gia đình họ cho con trai ông một con đường về...

Phiên tòa phúc thẩm xét xử Nguyễn Xuân Ngọc (SN 2001, trú xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu , Nghệ An) về tội “Giết người” được mở ra do có kháng cáo của bị cáo và đại diện hợp pháp của người bị hại. Trong vụ án này, Nguyễn Xuân Ngọc dùng dao tước đoạt mạng sống của hai người, làm một người khác bị thương. 

Bênh bạn, Nguyễn Xuân Ngọc tước đoạt mạng sống của hai người, làm một người khác bị thương.

Án mạng vì bị chặn xe gây sự

Tối 16/12/2019, Hoàng Trung (SN 1999) đang ngồi ăn ốc với một nhóm bạn thì nhận được điện thoại của Nguyễn Xuân Ngọc nhờ chở đi bắt xe ra Hà Nội. Đúng lúc này, Cao Thái Dương (SN 1997), Lê Văn Anh (SN 2000) và Cao Văn Chuyên (SN 1994) cầm chén rượu sang bàn Trung chúc.

Thấy Trung đứng dậy đi ra xe, Chuyên chạy theo giữ lại trách “sao anh sang mời rượu mà chú bỏ về”. Do vội về chở bạn nên Trung “khất”, hẹn lát nữa quay lại uống.

Khi Trung chở Ngọc đi trên đường ra quốc lộ để bắt xe thì Anh chở Dương và Chuyên đuổi theo. Lê Văn Anh điều khiển xe máy ép xe của Trung buộc nam thanh niên này phải dừng xe lại. Sau khi bảo Trung “thích cà khịa à?”, Anh đánh vào đầu thanh niên này.

Thấy bạn bị đánh, Ngọc xuống xe, lấy chiếc dao trong ba lô ra, nói: “Có chuyện gì mà đánh bạn em hả anh?” thì bị Dương đánh vào đầu. Nguyễn Xuân Ngọc cầm dao đâm loạn xạ trúng vào người Dương và Anh. Khi Anh gục xuống, Dương bỏ chạy thì Ngọc đuổi và đâm vào lưng Chuyên.

Hậu quả, Lê Văn Anh và Cao Thái Dương tử vong, Cao Văn Chuyên bị thương. Sau khi gây án, Nguyễn Xuân Ngọc đến cơ quan công an đầu thú.

Trong phiên xử ngày 16/6, Nguyễn Xuân Ngọc bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt tù chung thân; buộc phải bồi thường cho gia đình Lê Văn Anh 149 triệu đồng, gia đình Cao Thái Dương 146 triệu đồng, Cao Văn Chuyên hơn 45 triệu đồng.

Đại diện hợp pháp của người bị hại có đơn kháng cáo tăng nặng hình phạt đối với bị cáo và buộc bị cáo bồi thường thêm tổn thất tinh thần. Bị cáo Ngọc cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Cha vay nợ, cầm cố nhà cửa "chuộc tội" cho con

Ông Nguyễn Xuân Hồng (bố bị cáo Ngọc) ngồi tít hàng ghế phía dưới phòng xét xử. Nghe chủ tọa gọi, ông lật đật chạy lên, luống cuống ngồi xuống hàng ghế dành cho bị cáo. Đêm trước khi phiên tòa diễn ra, ông chạy vạy, lạy lục vay mượn được 20 triệu đồng nộp cho cơ quan thi hành án bồi thường thêm cho các bị hại.

Bị cáo Ngọc (khoanh đỏ) cố trò chuyện với bố khi được dẫn giải đến tham dự phiên tòa phúc thẩm.

Ông chưa bao giờ dám nghĩ đứa con trai độc nhất của mình có thể ra tay giết người, mà giết một lúc hai sinh mạng. Nghe tin con gây án, ông rụng rời tay chân. Cả hai nạn nhân đều là con trai một, bao nhiêu hi vọng của cha mẹ, ông hiểu chứ. Bởi vậy, sau khi sự việc xảy ra, ông sang nhà, trước là xin thắp cho các nạn nhân xin tạ tội thay con trai, thứ nữa là mong có thể san sẻ với gia đình nỗi đau mất mát.

“Tôi xin sang mà người ta không chịu. Cũng phải thôi, mất đứa con đứt ruột đẻ ra, nuôi nấng khôn lớn, ai không đau, không xót. Mãi 3 tháng sau họ mới đồng ý cho tôi vào nhà, thắp cho các cháu nén hương”, ông Hồng tâm sự.

Ông làm thợ hồ, vợ ở nhà làm ruộng. Ngọc học hết lớp 9 rồi nghỉ, đi làm cho một xưởng gốm ở Hà Nội, chỉ đủ chi tiêu, không dư đồng nào phụ bố mẹ. Bởi vậy, khi sự việc xảy ra trong nhà không có một đồng, ông vay mượn, thế chấp cả sổ đỏ để “hỗ trợ” cho gia đình bị hại.

“Người ta mất con, đau xót lắm chứ. Mạng người biết thế nào mà bồi thường cho đủ, tôi chỉ mong hỗ trợ được gia đình bên kia được phần nào hay phần ấy”, ông bộc bạch. 

Tính đến trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, ông vay mượn bồi thường cho các bị hại đủ như phán quyết của tòa sơ thẩm. 

Bản án chung thân dành cho con trai, ông bà cũng nợ nần chồng chất, phải ở nhờ trong chính căn nhà của mình bởi bây giờ nó là tài sản của ngân hàng rồi. Mỗi quý vợ chồng ông xoay 6 triệu đồng tiền lãi cũng đã khó, huống hồ tính đến việc trả nợ. 

“Tòa sơ thẩm tuyên xong thì mẹ nó vào Phú Quốc làm thuê, quét dọn cho một cơ sở du lịch, trừ tiền ăn uống mỗi tháng dư được 2-3 triệu đồng chỉ đủ trả lãi. Hôm nay bà ấy cũng không thể về để được gặp con. Tôi đi làm phụ hồ, tháng xin nghỉ 3 lần vào trại thăm con.

Lần nào gặp thằng Ngọc cũng khóc, nói con làm khổ bố mẹ rồi. Nó nhờ vợ chồng tôi năng qua thăm, cố gắng bồi thường hết cho nhà bị hại. Tôi chỉ biết động viên con, mình làm sai thì phải trả giá, người ta mất con còn đau hơn mình. Con có thương bố mẹ thì gắng cải tạo cho tốt để còn mong có đường trở về...”, ông khóc, tiếng khóc nghẹn ứ trong cổ. 

Phía bị hại yêu cầu tăng bồi thường tổn thất tinh thần, ông không có ý kiến gì, chỉ mong HĐXX cho con ông con đường sống.

Chủ tọa nhận định trong vụ án này phía bị hại cũng có một phần lỗi. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Xuân Ngọc tù chung thân là tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo. Tuy nhiên, mức đền bù tổn thất về tinh thần cho các bị hại chưa phù hợp với quy định của pháp luật là tương ứng với 20 tháng lương cơ bản.

HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo của đại diện hợp pháp người bị hại, sửa bản án sơ thẩm về mức bồi thường tổn thất tinh thần do hành vi của bị cáo gây ra. Với phán quyết của tòa phúc thẩm, bị cáo Ngọc phải bồi thường thêm cho gia đình bị hại Anh hơn 30 triệu đồng, bồi thường thêm cho gia đình bị hại Dương hơn 20 triệu đồng.

Phiên tòa kết thúc, ông Hồng lặng lẽ đứng dậy ra về. Ông dừng lại, tựa lưng vào bức tường, khuôn mặt đen đúa quắt lại. Giờ trong nhà ông không còn gì có thể bán để “chuộc tội” cho con nữa...