Không khí tang thương, ảm đạm bên trong ba ngôi nhà nằm cách cổng phân hiệu Bản Phung (Trường tiểu học Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) chừng 50m. Từng đoàn người nghẹn ngào tiễn đưa các em về nơi an nghỉ cuối cùng trong ngày 8-9.
Phân hiệu Bản Phung hôm nay không còn cảnh nô đùa học sinh, các lớp học đóng cửa, thầy cô cũng nghỉ dạy để cùng chính quyền địa phương, người dân tổ chức mai táng, khắc phục hậu quả sau sự cố cánh cổng trường đổ sập đè 3 em học sinh tử vong, 3 em học sinh bị thương ngày 7-9.
Chia sẻ với PV ngày 8-9, ông Nguyễn Văn Hạnh, chủ tịch UBND xã Khánh Yên Thượng, cho biết từ sớm người dân trong bản cùng chính quyền địa phương từ UBND xã đến huyện, trường học, phòng giáo dục đã có mặt tại gia đình các em học sinh tử vong.
"Sáng nay, gia đình đã làm xong thủ tục hai cháu, chiều nay chính quyền xã cùng dân bản đưa cháu còn lại ra đồng. Nhà ba cháu ở gần nhau, các cháu cùng lứa tuổi nên suốt ngày chơi với nhau. Bố mẹ các em cũng đặt ba ngôi mộ gần nhau với quan niệm khi sống các cháu chơi cùng nhau thì lúc chết cũng để các cháu nằm ở gần nhau" - ông Hạnh chia sẻ.
Ông Hạnh cho biết theo lời kể của anh Vàng A Cư (bố em Vàng Thị Hồng T.), trưa hôm qua anh đi làm về anh nấu cơm cho cả nhà ăn. Sau khi ăn cơm, anh Cư đi ngủ, định chiều dậy đi làm, nhưng vừa chợp mắt chỉ khoảng 20 phút thì nghe mọi người báo tin con bị cổng trường đè. Anh cùng vợ chạy ra thì thấy con cùng hai cháu nữa nằm bất động dưới cánh cổng.
Chính quyền địa phương, người dân, người thân gia đình các nạn nhân đến động viên, chia buồn - Ảnh: CTV
Cách nhà anh Cư không xa, gia đình anh Ma Sao Xỉn (bố em Ma Thị X.) cũng không nói nên lời khi hai năm liên tiếp gia đình anh mất đi người con ruột thứ hai.
"Nhà Xỉn nghèo lắm, trong nhà chả có gì đáng giá cả. Sáng nay, phải nhờ nhà anh em ở bên cạnh để làm tang cho cháu X.. Năm ngoái nhà anh Xỉn một cháu mới mất vì bệnh máu trắng, chưa hết đau xót thì anh Xỉn lại tiếp tục đón tin dữ khi đứa con thứ hai của anh vĩnh viễn ra đi" - ông Hạnh nói.
Ngôi nhà không có một tài sản đáng giá của anh Ma Sao Xỉn, anh phải nhờ nhà anh em ở bên cạnh để làm tang cho con - Ảnh: CTV
Theo ông Hạnh, cả ba trường hợp học sinh tử vong đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Các gia đình này đều là người Mông, bố mẹ các em còn trẻ, không có việc làm ổn định, cuộc sống kinh tế chủ yếu dựa làm nương, làm ruộng, trồng ít sắn ngô kiếm sống hằng ngày. Sau sự việc xảy ra, trung ương, tỉnh, huyện, xã đã cũng đã thăm hỏi, động viên, hỗ trợ hết sức cho cả ba gia đình tổ chức mai táng cho các cháu.
Nói về sự cố đổ cổng trường, chủ tịch xã Khánh Yên Thượng cũng cho biết hôm qua là ngày đầu tiên các cháu đi học, sau giờ học buổi sáng thì trường mầm non cho học sinh nghỉ học. Lý do là vì nhà trường chưa sắp xếp được chỗ ăn nên huyện đã đồng ý cho các cháu nghỉ buổi chiều để nhà trường chuẩn bị cơ sở vật chất, còn trường tiểu học vẫn học bình thường.
"Buổi trưa do các cháu nhà ở gần trường nên các cháu về ăn cơm ở nhà. Sau bữa trưa, 6 cháu nhà ở gần nhau rủ nhau chơi đu cổng trường thì xảy ra sự việc đau lòng" - ông Hạnh thông tin thêm.
Theo thông tin từ bệnh viện đa khoa Văn Bàn: sau khi tiếp nhận cả 3 học sinh bị thương chiều 7-9, bệnh viện đã đưa các cháu vào khoa ngoại để điều trị và tiến hành chụp chiếu. Hiện tại sức khỏe đã ổn định nhưng bệnh viện vẫn cho các cháu ở lại để theo dõi thêm.