News

6/recent/ticker-posts

Giao tranh giữa hai nước Liên Xô cũ: Số người chết tăng, LHQ họp khẩn

Tổng số thương vong trong cuộc giao tranh tại vùng Nagorno-Karabakh đã tăng lên ít nhất 95. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dự kiến tổ chức họp khẩn theo hình thức họp kín trong ngày 29-9 để bàn về cuộc giao tranh ác liệt này.

Ảnh chụp từ video được Bộ Quốc phòng Azerbaijan công bố cho thấy các thành viên lực lượng vũ trang Azerbaijan khai hỏa trong cuộc đụng độ với Armenia tại Nagorno-Karabakh - Ảnh: REUTERS

Hãng tin Reuters cho biết tình trạng giao tranh tại vùng Nagorno-Karabakh đã leo thang mạnh trong ngày 28-9 và hàng chục người đã thiệt mạng khi cuộc xung đột giữa Azerbaijan - Armenia tiếp diễn tại đây ngày thứ hai.

Nagorno-Karabakh, còn được biết với tên gọi Cộng hòa Artsakh, là một khu vực nằm trên lãnh thổ Azerbaijan nhưng có đông người gốc Armenia sinh sống. Quốc gia tự xưng này nằm giáp với Armenia và thường xuyên nhận sự hỗ trợ từ Armenia.

Hai bên đã nã pháo hạng nặng về phía nhau trong cuộc xung đột này. "Đây là một cuộc chiến sống và chết" - Arayik Harutyunyan, lãnh đạo Nagorno-Karabakh, tuyên bố.

Tối 28-9, người phát ngôn Artsrun Hovhannisyan của Bộ Quốc phòng Armenia cho biết các lực lượng Azerbaijan đã tổ chức "một cuộc tấn công lớn nhắm vào các phần phía nam và đông bắc của tiền tuyến Nagorno-Karabakh".

Theo Hãng tin AFP, phía Nagorno-Karabakh cho biết thêm 26 binh sĩ của họ thiệt mạng cuối ngày 28-9, nâng tổng số binh sĩ thiệt mạng lên 84. Cùng với 9 dân thường thiệt mạng ở phía Azerbaijan và 2 dân thường ở phía Armenia, tổng số người thiệt mạng đã tăng lên 95.

Azerbaijan không báo cáo số thương vong quân sự nào. Tuy nhiên, phía Armenia đã công bố các hình ảnh cho thấy xe bọc thép bị cháy và thi thể của các binh sĩ mà theo họ chính là binh sĩ Azerbaijan.

Căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan, hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ, tái bùng phát vào ngày 27-9 sau khi nổ ra các vụ đụng độ có vũ trang dẫn tới các cáo buộc đổ lỗi từ cả hai phía.

Cuộc giao tranh ác liệt nhất trong nhiều năm qua tại Nagorny-Karabakh có thể sẽ đẩy nước trong khu vực nhảy vào như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Nga hiện có quan hệ đồng minh quân sự với Armenia, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng Azerbaijan.

"Chúng ta đã không chứng kiến bất kỳ thứ gì như thế này kể từ thỏa thuận ngừng bắn vào thập niên 1990. Cuộc giao tranh đang diễn ra dọc tất cả các khu vực của tiền tuyến" - Olesya Vartanyan, nhà phân tích cao cấp tại Nhóm Khủng hoảng, một tổ chức phi chính phủ, bình luận.

Cũng trong ngày 28-9, Azerbaijan đã tuyên bố huy động một phần quân đội sau khi tuyên bố thiết quân luật vào ngày trước đó. Phía Armenia và Nagorno-Karabakh đã tuyên bố thiết quân luật và huy động người dân hôm 27-9. Nam giới trên 18 tuổi ở Armenia bị cấm rời đất nước.

Hãng tin AFP dẫn thông tin từ các nhà ngoại giao cho biết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức họp khẩn theo hình thức họp kín trong ngày 29-9 để bàn về vấn đề Nagorny-Karabakh. Đức và Pháp là các quốc gia đã yêu cầu tổ chức cuộc họp trên, sau đó các quốc gia châu Âu khác như Bỉ, Anh cũng ủng hộ động thái này.