Do ảnh hưởng của bão số 6, ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã quan trắc được gió cấp 8, giật cấp 10, vùng ven biển có gió giật cấp 6-7. Trong sáng đến trưa nay, bão số 6 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi.
Ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết như vậy tại cuộc họp ứng phó với bão số 6 và mưa lũ tại miền Trung diễn ra sáng 11-10
Theo ông Khiêm, lúc 9h sáng nay, bão số 6 đang ngay trên bờ biển các tỉnh Quảng Nam - Bình Định, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 10.
"Do ảnh hưởng của bão số 6, ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã quan trắc được gió cấp 8, giật cấp 10, vùng ven biển có gió giật cấp 6-7. Trong sáng đến trưa nay, bão số 6 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi. Gió mạnh nhất từ sáng nay đến trưa với sức gió cấp 8, giật cấp 10" - ông Khiêm nói
Theo ông Khiêm, do ảnh hưởng của bão, ở khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; sóng cao 3-5m, biển động rất mạnh. Ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, sóng cao 2-4m;, biển động rất mạnh.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6- 7, giật cấp 9, sóng cao 2-4m, biển động mạnh. Ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Đà Nẵng có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, sóng cao 2-4m; biển động. Ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam có khả năng nước dâng do bão cao 0,5m.
Ông Khiêm cho biết, từ nay đến ngày 13-10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có mưa rất to, có nơi đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam từ 400-600mm, có nơi trên 600mm, các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi từ 300-500mm, các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên từ 200-400mm. Ở Nam Hà Tĩnh và khu vực Bắc Tây Nguyên từ 200-300mm.
Theo ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó chánh văn phòng Uỷ ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết để ứng phó với bão số 6, quân đội đã huy động hơn 200.000 người ứng trực tại các khu vực để giúp dân ứng phó với bão số 6 và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Nếu diễn biến mưa tiếp tục kéo dài thì nhiều nơi tiếp tục sẽ ngập lụt,cô lập kéo dài nên phương án cứu hộ, cứu nạn thì cần các đơn vị liên quan phối hợp xuyên suốt và đặt lên trên hết để không ảnh hưởng đến tính mạng người dân và duy trì đời sống cho người dân.
Ông Hùng cũng chỉ đạo các địa phương kiểm tra tất cả các khu vực xung yếu bởi mưa lũ diễn ra dài ngày nên có nhiều khu vực mới phát sinh nên cần rà soát lại để đảm bảo an toàn cho người dân.
"Bộ Quốc phòng cũng đã chuẩn bị, sẵn sàng phương án đảm bảo thông tin cho quân khu 4, quân khu 5 để ứng phó với điều kiện địa hình chia cắt, sẵn sàng phương án cứu trợ bằng hàng không, sử dụng máy bay trực thăng để tiếp cận các khu vực bị chia cắt dài ngày" - ông Hùng nói
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, cho biết hồ Tả Trạch cùng cụm hồ Hương Điền, Bình Điền (Thừa Thiên Huế) đang rất phức tạp trong thời gian qua và thời gian tới.
"Hiện tổng lưu lượng các hồ xả đến trạm Kim Long (sông Bồ) là 3.600m3/s, nước sông đang trên báo đông 3. Hồ Tả Trạch hiện đang dự báo ngày mai lưu lượng nước về hồ tăng lên 5.300m3/s. Do đó, sẽ phải tăng lưu lượng xả, khi đó TP Huế ngập 'căng' hơn" - ông Tỉnh nói
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định năm nay là năm dị thường về thời tiết, thiên tai hết sức khắc nghiệt. Trước tình hình mưa lũ, ông Cường lưu ý cần hết sức cảnh giác, không chủ quan, ứng phó mọi diễn biến thời tiết từ nay đến cuối năm. Trước mắt là cơn bão số 6 và mưa lũ.
"Đề nghị các đơn vị tập trung ứng phó ngay, không để bất kỳ người dân nào thiếu cơm ăn áo mặc, đói rét. Các địa phương tính toán có thể cho học sinh nghỉ học, tất cả các bộ phận cùng địa phương có công tác ứng phó, khắc phục hậu quả và cứu trợ" - ông Cường nói.
Ông Cường cũng lưu ý công tác vận hành liên hồ chứa tại các tỉnh miền Trung, cần đặc biệt lưu ý là một số hồ lớn, do đó công tác điều tiết, cắt lũ phải điều hành rất 'nghệ thuật'.
"Thảm họa hay không là công tác điều hành, vận hành ở các hồ rất lớn" - ông Cường nhấn mạnh.