Trong bối cảnh đã hai đêm kể từ ngày bầu cử 3-11, người Mỹ thức dậy mà chưa biết vị tổng thống tương lai của mình là ai, nước Mỹ chuẩn bị đối mặt với một cuộc chiến pháp lý khốc liệt phía trước liên quan kết quả bầu cử.
Người ủng hộ Tổng thống Donald Trump biểu tình phản đối kết quả sơ bộ tại Phoenix, Arizona, ngày 4-11 - Ảnh: REUTERS
Sáng 4-11 (giờ Mỹ), khi 2 tiểu bang chiến trường Wisconsin và Michigan đổi từ đỏ nhạt (nghiêng về Cộng hòa) sang xanh nhạt (nghiêng về Dân chủ), Tổng thống Donald Trump cũng đã nhanh chóng tuyên bố cuộc chiến pháp lý bắt đầu, với việc khởi kiện tại 3 tiểu bang chiến trường là Pennsylvania, Michigan và Georgia.
Bang Michigan
Tại Michigan, đội ngũ luật sư của Tổng thống Trump không khởi kiện để làm thay đổi kết quả kiểm phiếu mà chỉ đang yêu cầu tòa án tiểu bang ra một lệnh cho phép các cán bộ của ban vận động tái cử được vào khu vực kiểm phiếu để theo dõi việc kiểm phiếu. Các luật sư cho rằng làm như vậy là để bảo đảm quyền "tiếp cận phòng phiếu một cách có ý nghĩa" của cử tri - một nội dung của quyền bầu cử theo luật pháp Mỹ.
Một vụ kiện với nội dung tương tự cũng đang diễn ra ở Pennsylvania, nơi việc kiểm đếm đang tiếp diễn. Có thể cho rằng đây là cách phản hồi của Tổng thống Trump với những cáo buộc gian lận bầu cử (kiểm chứng hoặc chưa kiểm chứng) đang có trên mạng Internet.
Tuy nhiên, có vẻ ông Trump cũng không hài lòng lắm với cách tiếp cận của các luật sư, khi chính ông cũng viết tweet ngày 4-11 cho rằng các luật sư cần phải giúp ông thảo luận về "sự liêm chính của hệ thống lẫn cuộc bầu cử". Tất nhiên, không ai rõ ông Trump đang muốn nói về điều gì với tweet này.
Kết quả của hai vụ kiện tại Pennsylvania và Michigan liên quan đến quyền bầu cử đang không có lợi cho Tổng thống Trump khi các thẩm phán tòa tiểu bang cho rằng yêu cầu "tiếp cận phòng phiếu" của các luật sư là quá rộng, vượt quá những gì luật tiểu bang cho phép.
Tuy nhiên, ngay cả khi tòa tiểu bang cho phép tiếp cận thì chiến thắng này cũng chỉ giúp phe ông Trump xác nhận xem có bất kỳ biểu hiện gian lận nào tại phòng phiếu không, chứ không có tác động trực tiếp đến kết quả cuộc bầu cử. Vì thế, với những dữ kiện hiện có, có lẽ đội ngũ của ông Trump không còn nhiều hi vọng sẽ thay đổi được kết quả tại Michigan vì bang này đã kiểm đếm xong.
Cơ hội duy nhất của ông Trump với Michigan là khi có một bằng chứng không thể chối cãi về gian lận phiếu bầu tại bang này. Đã có những thắc mắc cho rằng tại một thời điểm nhất định trong đêm thứ ba rạng sáng thứ tư, hơn 130.000 phiếu bầu đã được cộng cho ông Joe Biden mà không một phiếu nào được cộng cho ông Trump.
Tuy nhiên, tin đồn này nhanh chóng được giải thích là con số 130.000 được cộng vào chỉ là do nhân viên phòng phiếu ở bang này gõ nhầm một số 0. Chỉ 20 phút sau khi thông tin này đưa ra, nhân viên phòng phiếu đã sửa lại và không làm sai lệch kết quả. Vì vậy, cho đến nay chưa một ai đưa ra bất kỳ bằng chứng nào về gian lận phiếu bầu ở bang này.
Bang Georgia
Vụ kiện mới nhất của phe ông Trump là ở bang Georgia khi số phiếu được kiểm đếm đang rất sít sao cho hai ứng cử viên. Nếu không "lật" được bang Georgia, xem như đường vào Nhà Trắng của ông Joe Biden sẽ rộng thênh thang. Chính vì thế, các luật sư của ông Trump đang cố gắng khởi kiện ở đây hòng giảm thiểu số phiếu bầu qua thư được kiểm đếm, vì cho rằng những cử tri chọn bỏ phiếu qua thư có xu hướng ủng hộ ông Joe Biden.
Tuy nhiên, lý do pháp lý mà các luật sư của ông Trump đưa ra ở Georgia hiện cũng không thực sự rõ ràng, khi họ chỉ yêu cầu tòa án ra lệnh buộc các hạt bầu cử phải "tách các phiếu bầu thư tín đến trễ hạn khỏi các phiếu bầu hợp lệ", lấy bằng chứng rằng đã có 53 phiếu bầu chậm được nhận tại bang này.
Tất nhiên, yêu cầu của ông Trump tại bang này là hợp pháp và trên thực tế đang là những gì các đơn vị bầu cử làm. Theo luật Georgia và một phán quyết của tòa liên bang vào tháng 10 năm nay, các đơn vị bầu cử được phép nhận phiếu bầu thư tín đến trước 19g ngày bầu cử 3-11.
Điều đó có nghĩa bất kỳ phiếu bầu nào đến sau thời điểm này đều bị xem là bất hợp pháp và kết quả vụ kiện có thể sẽ không thay đổi bất kỳ điều gì tại Georgia. Nhưng có thể đây chỉ là một bước đi chính trị của ông Trump, với hậu quả có thể là gây thêm hoang mang cho kỳ bầu cử năm nay.
Bang Pennsylvania
Trong tất cả các vụ kiện cho đến nay, có thể vụ kiện ở Pennsylvania là quan trọng nhất. Ngoài vụ kiện nhằm tiếp cận phòng phiếu đã kể ở trên, các luật sư của ông Trump đang cực kỳ tập trung vào bang này nhằm loại bỏ các phiếu bầu thư tín được cho là có lợi cho ông Joe Biden.
Theo một phán quyết của tòa tối cao bang Pennsylvania, các hạt bầu cử ở đây có quyền nhận phiếu bầu thư tín đến sau ngày bầu cử 3-11 ba ngày, miễn là dấu bưu điện trên phiếu bầu không trễ hơn ngày bầu cử.
Các phiếu bầu này phải được tách đếm riêng nhưng vẫn sẽ được kiểm đếm đầy đủ. Ông Trump gọi phán quyết này là "kinh khủng" vì ông cho rằng chỉ lá phiếu đến hạt bầu cử vào ngày bầu cử mới nên được đếm.
Trước ngày bầu cử, đội ngũ pháp lý của ông Trump đã gửi đơn xin một lệnh cấm khẩn cấp với phương thức đếm phiếu này từ Tối cao pháp viện liên bang. Tuy nhiên, Tối cao pháp viện liên bang đã từ chối ra lệnh này và tuyên bố sẽ chỉ xem xét vụ kiện sau ngày bầu cử.
Với tình hình tại Pennsylvania hiện nay, rất có thể ông Trump sẽ chờ cho đến khi tình huống ông thua ông Joe Biden ở đây để tiếp tục khởi kiện lên Tối cao pháp viện.
Nhưng để vụ kiện có ý nghĩa thì số phiếu bầu đến sau ngày bầu cử ở Pennsylvania phải có số lượng đủ nhiều, mang tính bước ngoặt tại bang này. Cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào về số lượng phiếu bầu đến sau ngày bầu cử ở bang này. Vì thế rất khó để bình luận nỗ lực pháp lý của ông Trump ở đây liệu sẽ diễn ra hay không.
Nhưng ngay cả khi ông Trump quyết định khởi kiện thì kịch bản Tối cao pháp viện chấp nhận thụ lý vụ kiện hoặc ra phán quyết có lợi cho ông Trump là không rõ ràng.
Cần nhắc lại rằng còn quá sớm để biết rằng ông Trump sẽ kéo cuộc chiến pháp lý theo hướng nào. Trừ phi có một bằng chứng nghiêm trọng nào đó xuất hiện cho thấy có lỗi trong quy trình kiểm phiếu khiến kết quả sai lệch trầm trọng, hoặc nếu số phiếu bầu qua thư tín đến sau ngày bầu cử ở Pennsylvania có tính quyết định thì các vụ kiện của ông Trump hiện nay mới có ý nghĩa.
Và những nỗ lực pháp lý kể trên của ông Trump có thể sẽ vô ích trong trường hợp ông Biden giành chiến thắng ở những bang chiến trường còn lại mà không cần đến kết quả tại bang Pennsylvania.
Kịch bản Bush - Al Gore khó tái diễnHiện có nhiều ý kiến lo ngại kịch bản Bush - Al Gore năm 2000 tái diễn. Lúc đó, Tối cao pháp viện ra phán quyết cấm kiểm đếm lại phiếu bầu giúp ứng viên George W. Bush (con) giành chiến thắng sít sao trước đối thủ Al Gore.Tuy nhiên, dù còn quá sớm để đánh giá tình hình của các vụ kiện do ông Trump phát động, nhiều khả năng kịch bản Bush - Al Gore sẽ không tái diễn trong cuộc bầu cử 2020.Phán quyết của Tối cao pháp viện sẽ chỉ là một phương tiện để ông Trump can thiệp vào kết quả của quy trình đếm phiếu hiện nay tại một số bang, từ đó hi vọng sẽ loại bỏ các phiếu không có lợi cho mình và do đó sẽ giành được thắng lợi với số phiếu cao hơn. Điều này có nghĩa về hình thức, cử tri Mỹ sẽ là người quyết định ai là tổng thống tiếp theo của Mỹ, không phải là tòa án.Trái với suy nghĩ thông thường, bất chấp việc hiện Tối cao pháp viện đang có số thẩm phán "bảo thủ" là 6 so với số thẩm phán "cấp tiến" là 3, thẩm phán ở Mỹ không phải là các chính trị gia và do đó những quyết định của họ phải có lý lẽ và luận cứ pháp lý.Trong nhiều trường hợp, thẩm phán có thể ra một phán quyết trái với quan điểm chính trị của tổng thống nhưng lại phù hợp với pháp luật. Chính vì thế, một vụ kiện tại Tối cao pháp viện rất có thể sẽ là một màn sút luân lưu mà chưa chắc ông Trump sẽ thắng dù có vẻ có "lợi thế" về số thẩm phán "bảo thủ".