Đó là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 vào ngày 30-8.
Theo ông Lĩnh, Đồng Nai hiện mới tiêm khoảng 800.000 liều vắc xin phòng COVID-19 trên tổng số nhu cầu 4,5 triệu liều, con số này còn quá thấp và phải đẩy mạnh trong thời gian tới. Cố gắng từ nay đến cuối năm tăng tỉ lệ tiêm vắc xin cho người dân trên địa bàn.
"Trong tuần này chúng ta có thêm 500.000 liều vắc xin Sinopharm (Vero Cell), tôi đề nghị triển khai ngay, tiêm dứt điểm trong tuần này tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp "3 tại chỗ", các "vùng đỏ" để giúp cho người dân có thêm áo giáp chống dịch bệnh" - ông Lĩnh nói.
Ông Lĩnh đề nghị Sở Y tế Đồng Nai soạn ngay nội dung tuyên truyền về hiệu quả của loại vắc xin này để người dân hiểu và tin tưởng.
Bởi phòng chống bệnh là phi chính trị, bảo vệ sức khỏe người dân là quan trọng nhất, vắc xin nào phát huy tác dụng hiệu quả, vắc xin nào giúp dân thì sử dụng, vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất.
Ban quản lý các khu công nghiệp phối hợp ngành y tế, các lực lượng liên quan để triển khai, thực hiện thật tốt việc tiêm chủng trong các khu công nghiệp, trong nhà máy, xí nghiệp.
Ngoài ra, các địa phương nhập liệu thấp cần quan tâm cử thêm giáo viên, sinh viên, đội ngũ công chức đang nghỉ tại nhà tham gia hỗ trợ tổ y tế về nhập liệu tiêm chủng.
Cài đặt phần mềm về sức khỏe cộng đồng cho từng người dân để thao tác nhanh hơn. Đoàn thanh niên, Sở Thông tin - truyền thông tăng cường lực lượng giúp dân khai báo trên áp sức khỏe cộng đồng.
Ông Lĩnh nhận định phường xã là "pháo đài" chống dịch, người dân là chiến sĩ, "cuộc chiến" có thành công hay không là phụ thuộc ý thức, công sức và trách nhiệm của người dân. Hệ thống chính trị có nhiệm vụ hướng dẫn người dân hành động, hành động có thành công thì công tác phòng chống dịch mới thành công.
"Chúng ta nói ngàn lời mà người dân không ý thức thì chúng ta cũng sẽ thất bại. Do đó ý thức của người dân là rất quan trọng" - ông Lĩnh nhấn mạnh.
Muốn người dân có ý thức thì công tác tuyên truyền là cực kỳ quan trọng, để người dân hiểu và cùng hành động.
Do đó, ông đề nghị công tác truyền thông phải đẩy mạnh, tiếp tục mở rộng phạm vi, nhân rộng hơn về tương tác với người dân và đa dạng về cách thức tuyên truyền để làm sao đến được với người dân, xoay chuyển được ý thức của người dân.
Tại cuộc họp, ông Phan Huy Anh Vũ - giám đốc Sở Y tế Đồng Nai - cho biết toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 23.000 ca mắc COVID-19. Trong đó, gần 10.000 bệnh nhân đã xuất viện, chỉ còn khoảng 13.000 bệnh nhân đang được theo dõi và điều trị nên không gây quá tải cho ngành y tế.