Số lượng người dân đến các điểm tiêm vắc xin ghi nhận trên thực tế khá cao, trong đó nhiều nhất là ở các đô thị đông dân, nguy cơ lây nhiễm cao.
Ngày 3-9, số liệu sơ bộ từ các điểm tiêm vắc xin tại 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bình Dương cho biết sau hai ngày đầu tiên triển khai tiêm vắc xin Vero Cell của Sinopharm, đã có khoảng 10% trong tổng số 1 triệu liều được tiêm.
Trong đó nhiều nhất là tại thành phố Thủ Dầu Một (trên 28.000 liều), Dĩ An (trên 22.000 liều), Thuận An (trên 12.500 liều), Tân Uyên (trên 6.500 liều)... Một số đơn vị tuyến huyện thực hiện "tiêm vét" một số loại vắc xin khác, song song với việc triển khai tiêm Sinopharm.
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, tới 16h chiều 3-9, ghi nhận trên hệ thống tiêm chủng trực tuyến đã có tổng cộng 1.063.054 liều vắc xin được tiêm, trong đó có 45.313 người được tiêm mũi 2.
Số liệu cập nhật trên hệ thống này thấp hơn số liệu tiêm thực tế do công tác nhập liệu "chưa theo kịp". Ví dụ, như với vắc xin Vero Cell, tổng hợp thực tế từ các trung tâm y tế tuyến huyện đã tiêm được khoảng 100.000 liều, nhưng trên hệ thống của Sở Y tế mới ghi nhận 10.022 liều.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương yêu cầu ngành y tế đảm bảo năng lực tiêm tới 100.000 liều/ngày và phối hợp với các địa phương, các cơ quan liên quan vận động người dân đi tiêm vắc xin với phương châm "vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất".
Trong ngày 3-9, Bình Dương ghi nhận thêm 3.676 ca mắc COVID-19 mới, tổng cộng đã có tới 126.408 ca mắc (chiếm khoảng 5% dân số). Mặc dù tỉ lệ bệnh nhân ra viện khá cao (đã có trên 72.000 bệnh nhân F0 ra viện) nhưng cũng đã có tới 1.014 người tử vong.
Vắc xin là giải pháp tốt nhất để phòng chống COVID-19. Trong đó, theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, vắc xin Sinopharm là một trong các loại vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế cấp phép, có tác dụng giảm ảnh hưởng của COVID-19, giảm nguy cơ tử vong...