News

6/recent/ticker-posts

Có những sợi dây kinh nghiệm không nên "rút mãi"

Tôi tin rằng, nếu việc "rút kinh nghiệm" thực sự đúng như nghĩa đen, được thực hiện một cách thực chất, không hình thức thì tới đây sẽ không phải xuất hiện trường hợp nào "mất bò mới lo làm chuồng"...


Những bức hình được báo chí đăng tải phản ánh tình trạng chen lấn, tập trung đông người tiêm vắc xin và xét nghiệm diện rộng tại Trường Tiểu học Trung Văn (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) ngày 11/9 vừa qua khiến bất cứ ai cũng đều lo lắng và ái ngại.

Khoảng cách giữa người với người lúc đó khó tính bằng cm chứ đừng nói đến 2m hay 3m. Một sự chen chúc đến ngộp thở. Chứng kiến cảnh này, người ta chỉ còn có thể chắp tay mà cầu nguyện rằng không có F0 nào trong đám đông hỗn loạn đó.

Từ một hoạt động đầy ý nghĩa và có tác dụng lớn trong công tác phòng chống Covid-19 vô hình trung trở thành một sự kiện gieo bất an cho không chỉ những người tham gia mà với cả lãnh đạo địa phương.

Mục tiêu của Hà Nội là trước ngày 15/9, có thể nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh. Theo đó, hoạt động xét nghiệm Covid-19 được thực hiện với 100% người dân trên toàn địa bàn thành phố từ ngày 6/9 đến 12/9. Đây là nhiệm vụ rất khẩn trương và cũng thể hiện sự quyết tâm của thành phố.

Thế nhưng từ mục tiêu, từ quyết tâm đến khâu triển khai lại là một vấn đề không đơn giản. Lâu nay, chúng ta bàn về việc làm sao đủ vắc xin để tiêm cho toàn dân. Nhưng khi đảm bảo được số lượng vắc xin thì bài toán tiếp theo lại là phân bổ, là triển khai tiêm sao cho an toàn và nhanh chóng.

Được biết, sau vụ việc nói trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo phường Trung Văn. Lãnh đạo quận Nam Từ Liêm cũng đã xác nhận với báo chí: "Quận sẽ tiến hành làm rõ trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng này và thông tin cụ thể đến báo chí khi có kết quả".

Thường trực Quận ủy đã họp khẩn, nghiêm túc yêu cầu UBND phường Trung Văn, Bí thư và Chủ tịch phường nghiêm túc rút kinh nghiệm, đồng thời yêu cầu UBND phường Trung Văn tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong quá trình thông báo tiêm vắc xin, dẫn đến tình trạng tập trung đông người.

Việc rút kinh nghiệm đương nhiên là phải có, bắt buộc phải rút kinh nghiệm! Nhưng nếu chúng ta nhìn lại thì tình huống người dân chen lấn để xét nghiệm và tiêm vắc xin không phải mới xảy ra hay chỉ xảy ra tại một địa phương. Chính vì điều này đã từng được lưu ý và cảnh báo trên báo chí, từng được rút kinh nghiệm, do đó, cần phải nhận thấy rõ yếu kém ở đâu, bất cập ở khâu nào để nhìn thấy bài học, không tái diễn thêm một lần nào nữa.

Việc phê bình, kỷ luật một vài cá nhân sẽ không nhiều ý nghĩa khi sợi dây kinh nghiệm cứ nối dài và kéo từ địa phương này đến địa phương khác. Đằng sau mỗi một sai lầm không đơn giản là một bản kiểm điểm, mà là sức khỏe, tính mạng người dân, là thành - bại của một cuộc chiến.

Và rồi, cũng sẽ là một vòng luẩn quẩn nếu người dân đổ lỗi cho chính quyền, đổ lỗi cho công tác tổ chức mà không tự thấy thiếu sót về ý thức của bản thân; còn chính quyền thì đưa ra yếu tố khách quan để bao biện. Đến cuối cùng, thiệt hại (nếu có) không chỉ ở cả hai bên.

Để không tập trung quá đông người khi tiêm chủng, ngoài khắc phục sự yếu kém của công tác tổ chức còn cần phải tạo niềm tin cho người dân rằng, sẽ không ai bị "mất phần" hay mất lượt, sẽ không có sự thiên vị hay mất công bằng nào. Mọi người dân, mọi mũi tiêm đều bình đẳng.

Tôi tin rằng, nếu việc "rút kinh nghiệm" thực sự đúng như nghĩa đen, được thực hiện một cách thực chất, không hình thức thì tới đây sẽ không phải xuất hiện trường hợp nào "mất bò mới lo làm chuồng". Công tác tiêm chủng sẽ còn kéo dài đến cuối năm và hi vọng, BLOG sẽ không còn phải đề cập tới nội dung này, độc giả hẳn rằng cũng mong muốn vậy!