News

6/recent/ticker-posts

Công bố sao kê tài khoản kêu gọi từ thiện: Đã đủ cho sự minh bạch?

Thời gian gần đây có nhiều thông tin lùm xùm quanh việc làm từ thiện của giới nghệ sĩ. Và rất nhiều nghệ sĩ đã công bố những bản sao kê từ ngân hàng về các khoản tiền kêu gọi từ thiện.



Trong suốt một thời gian dài vừa qua, một doanh nhân liên tục làm mạng xã hội "dậy sóng" khi livestream với nội dung chủ yếu là "tố" một số nghệ sĩ lợi dụng hoạt động từ thiện để "trục lợi", nữ doanh nhân này cũng đề nghị các nghệ sĩ phải sao kê minh bạch các khoản thu chi khi làm từ thiện.

Một số nghệ sĩ cũng bước đầu công khai bản sao kê số tiền đã kêu gọi từ thiện và tuyên bố sẽ khởi kiện hoặc tố cáo người vu khống. 

Vậy khi đưa nhau ra tòa, bên nào phải chứng minh và giới hạn chứng minh tới đâu, bản sao kê đã đủ chứng minh tính minh bạch của hoạt động từ thiện chưa?

Đưa nhau ra tòa, ai phải chứng minh

Theo luật sư Kiều Anh Vũ - Đoàn luật sư TP.HCM, trong trường hợp những lời "tố" của nữ doanh nhân nhắm về phía nghệ sĩ là sai sự thật thì các nghệ sĩ có thể kiện nữ doanh nhân ra tòa về hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác để yêu cầu xin lỗi công khai, bồi thường danh dự bị tổn hại, bồi thường thiệt hại...

Khi tòa án giải quyết tranh chấp thì cả nguyên đơn lẫn bị đơn đều phải có nghĩa vụ chứng minh. Cụ thể, các nghệ sĩ phải công khai minh bạch các khoản từ thiện, ngược lại nữ doanh nhân cũng phải đưa ra chứng cứ chứng minh cho những phát ngôn trên mạng của mình là đúng sự thật.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Quốc Cường - Đoàn luật sư TP.HCM - cũng cho rằng trường hợp các nghệ sĩ chọn khởi kiện dân sự thì phía nghệ sĩ cần phải chứng minh hành vi của nữ doanh nhân là xâm phạm đến quyền dân sự của mình. 

Và để chứng minh, nghệ sĩ phải cung cấp bản sao kê cũng như việc thực hiện từ thiện đúng số lượng, đối tượng, mục đích. Còn phía nữ doanh nhân có nghĩa vụ chứng minh những lời nói của mình là có cơ sở. Trường hợp bị đơn không tự thu thập tài liệu chứng cứ được thì có thể yêu cầu tòa án thu thập. Tòa án sẽ căn cứ vào những chứng cứ đã thu thập được để giải quyết vụ án.

Bên cạnh chọn tòa án để giải quyết tranh chấp, một số nghệ sĩ khác tuyên bố sẽ tố cáo nữ doanh nhân về hành vi vu khống. Theo quy định, các nghệ sĩ này phải gửi đơn tố giác tội phạm kèm các tài liệu đến cơ quan công an. Cơ quan điều tra sẽ xem xét, đánh giá, thu thập chứng cứ ban đầu xem có yếu tố cấu thành tội phạm hay không. Các bên không bắt buộc phải đưa ra tài liệu, chứng cứ để bảo vệ mình.

Sao kê thôi đã đủ minh bạch?

Luật sư Cường cho rằng bản sao kê tài khoản ngân hàng thể hiện các khoản tiền thu vào, chi ra của cá nhân hoặc tổ chức. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi liệu các khoản chi thực tế có đủ số lượng như đã rút ra không.

Luật sư Cường cho rằng nếu chủ tài khoản có yêu cầu, đơn vị kiểm toán có thể tham gia kiểm toán. Tuy nhiên, việc kiểm toán chỉ tra soát được hoạt động thu chi của tài khoản cá nhân chứ không chứng minh được việc các nghệ sĩ làm từ thiện thế nào.

Về việc này, các nghệ sĩ có thể chứng minh bằng biên nhận, giấy xác nhận của các địa phương để chứng minh hành động từ thiện của mình. Trường hợp từ thiện cho từng cá nhân thì phải có chứng cứ chứng minh họ xác nhận đã nhận được tiền từ thiện.

Luật sư Đỗ Trúc Lâm - Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng sao kê là chứng từ quan trọng nhất đối với phần tiền được đóng góp thông qua hệ thống ngân hàng. Nhưng để chứng minh việc sử dụng số tiền này đúng hay sai thì sao kê chưa đủ mà còn phải dựa vào kết quả xác minh quá trình sử dụng tiền từ thiện sau khi rút như thế nào. 

Luật sư Lâm cho rằng việc này chỉ có cơ quan công an hoặc tòa án, chứ các cơ quan khác như thuế và kiểm toán không làm được việc này.

Theo luật sư Nguyễn Sa Linh - Đoàn luật sư TP.HCM, liên quan đến việc giải trình quá trình sử dụng số tiền từ thiện theo yêu cầu của cơ quan chức năng (nếu có), người làm từ thiện có thể chứng minh bằng các bản sao kê tài khoản ngân hàng, tổng số thu, tổng số chi cho mục đích từ thiện, giấy xác nhận của ngân hàng và các cơ quan tổ chức có tham gia trong công tác từ thiện.

Về việc thuê đơn vị kiểm toán, luật sư Linh cho rằng đến nay chưa có quy định về kiểm toán đối với tài khoản cá nhân. Đối tượng được kiểm toán hiện nay là doanh nghiệp hoặc tổ chức, nhằm kiểm tra và xác minh tính trung thực của những báo cáo tài chính của doanh nghiệp, tổ chức đó. Hơn nữa, đối với hoạt động từ thiện bằng cách trao tiền mặt cho cá nhân người dân vùng lũ cũng không thể có đầy đủ hóa đơn chứng từ để kiểm toán.

Cần có hành lang pháp lý cho hoạt động từ thiện

Luật sư Đỗ Trúc Lâm bày tỏ băn khoăn về những quy định pháp luật về hoạt động từ thiện hiện nay. Trước đây có những quy định liên quan đến việc huy động và sử dụng nguồn từ thiện, tuy nhiên so với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện tại thì quy định đó không còn phù hợp nữa và vô tình để một khoảng khuyết trống đối với vấn đề từ thiện do cá nhân đứng ra huy động.

Hiện nay việc huy động, sử dụng nguồn tiền từ thiện chủ yếu được quy định ở trong những luật khác một cách gián tiếp, đó là luật dân sự về vấn đề ủy quyền, luật hình sự về vấn đề lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây chỉ là những quy định gián tiếp chứ chưa có một quy định trực tiếp để quản lý việc cá nhân đứng ra huy động, sử dụng nguồn tiền từ thiện.

"Vì vậy tôi nghĩ cần phải bổ sung, ban hành những quy định pháp luật để điều chỉnh quá trình từ chỗ huy động, quản lý và thực hiện hoạt động từ thiện" - luật sư Lâm kiến nghị.