Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu Bộ Y tế công nhận và cấp mã số cho 150.000 ca test nhanh dương tính, không chỉ TP.HCM mà cục diện dịch bệnh của cả nước sẽ có nhiều thay đổi, ở nhiều khía cạnh.
Sở Y tế TP.HCM lên tiếng về 150.000 ca dương tính sau test nhanh chưa được cấp mã sốBộ Y tế nói gì về 150.000 ca test nhanh dương tính của TP.HCM?Khiển trách chuyên viên thanh tra sở không có giấy đi đường, 'cố thủ' trong ô tô cả tiếngThủ tướng chỉ đạo chuẩn bị công nhận 'hộ chiếu vắc xin'
Nhân viên y tế phường 5, quận Gò Vấp hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trước đó, trong văn bản đề nghị Bộ Y tế công nhận và cấp mã số cho 150.000 người bệnh có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính với COVID-19, Sở Y tế TP.HCM nêu trong thời gian cao điểm chống dịch, địa phương đã thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên nhằm phát hiện sớm các ca mắc đưa vào cách ly, chăm sóc và điều trị.
Số lượng ca bệnh trên ghi nhận từ ngày 20-8 đến nay và chưa được cấp mã số để quản lý do hướng dẫn của Bộ Y tế "chỉ cấp mã số cho trường hợp có kết quả xét nghiệm khẳng định RT-PCR dương tính".
Như vậy nếu được công nhận, số ca mắc thực tế ghi nhận tại TP.HCM sẽ là 525.794 ca (số liệu cập nhật đến tối 27-9), tăng gần 40%; cả nước 911.528 ca, tăng gần 20% so với con số được Bộ Y tế công bố.
Trao đổi với PV, một chuyên gia dịch tễ cho biết nếu được công nhận, ngoài việc làm thay đổi toàn bộ số bệnh nhân mắc COVID-19 của TP.HCM và cả nước, còn kéo theo tỉ lệ tử vong của TP.HCM giảm chỉ còn 2,8% (tỉ lệ gần nhất là 3,9%) và cả nước giảm còn 2,1% (tỉ lệ gần nhất là 2,4%); dần thu hẹp với tỉ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới là 2,0% (theo Bộ Y tế).
Tuy nhiên, số ca mắc tăng cao (gần 1 triệu người), điều này cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thứ hạng chống dịch của Việt Nam. Hiện nay, theo số liệu tính từ đầu dịch, Việt Nam có 766.051 ca mắc, đứng thứ 44/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi với tỉ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đang đứng thứ 154/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.783 ca mắc).
Ngoài các vấn đề nêu trên, việc công nhận 150.000 ca mắc COVID-19 sẽ làm tăng số người không phải chích ngừa (có kháng thể phòng virus ít nhất trong vòng 6 tháng). Điều này rõ ràng có thể làm cải thiện phần nào đó về chỉ tiêu mở cửa an toàn mà TP.HCM đang triển khai.
"Tuy vậy, tất cả các vấn đề nêu trên là bề nổi, vấn đề đáng quan tâm là liệu có bao nhiêu người thực sự bị mắc COVID-19 trong tổng số 150.000 ca này. Bởi trước sức ép cần có thẻ xanh ra đường, nếu không có cơ chế kiểm tra tính xác thực của các ca test nhanh dương tính này có thể lọt số ca chưa được tiêm chủng vắc xin, điều này rất nguy hiểm cho cộng đồng", chuyên gia này khuyến cáo.
Theo chuyên gia này, dù tốn kém một chút nhưng để "chắc ăn", cần phải sàng lọc lại bằng test nhanh kháng thể (xác định độ miễn dịch ở bệnh nhân từng mắc bệnh) để đảm bảo sự công bằng, chính xác và cũng là cách để bảo vệ thành quả chống dịch, vốn mất nhiều công sức, tiền bạc.
TP.HCM hiện đang là địa phương có số mắc COVID-19 cao gần bằng 1/2 tổng số ca ghi nhận cả nước được công bố (375.794/761.528 ca), số tử vong chiếm trên 77% số tử vong do COVID-19 cả nước (14.500/18.758 ca).
Bộ Y tế nói gì?
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hướng dẫn 3638 quy định ca bệnh F0 được xác định khi có kết quả xét nghiệm RT-PCR tại các cơ sở được Bộ Y tế cấp phép. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh tại TP.HCM, ngày 20-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn có văn bản đồng ý các trường hợp có test nhanh dương tính được coi như F0 để điều trị tại nhà.
Trao đổi với PV ngày 27-9, một đại diện Bộ Y tế cho rằng việc nhập mã số bệnh nhân là do địa phương, đơn vị thực hiện, tức ở đây việc nhập mã là do TP.HCM. Mặc dù quy định hướng dẫn giám sát thì chỉ các ca xét nghiệm RT-PCR dương tính mới là ca khẳng định nhưng Bộ Y tế đã có văn bản cho phép test nhanh dương tính coi như F0.
Dự kiến Bộ Y tế sẽ sớm có văn bản hướng dẫn TP.HCM vấn đề này. Tuy nhiên đang có một số vướng mắc có thể nảy sinh. Cụ thể, các ca F0 đã khỏi bệnh được xếp vào nhóm có kháng thể, có thể sẽ được cấp "thẻ xanh", "thẻ vàng" để đi lại, làm việc, học tập...
Nhưng tỉ lệ dương tính qua xét nghiệm khẳng định bằng PCR ở nhóm có kết quả xét nghiệm dương tính bằng test nhanh chỉ khoảng 60%, thậm chí có địa phương chỉ ở mức 50%.
Nếu nhóm "dương tính giả" được coi như F0 bình thường và không được tiêm vắc xin thì cũng có thể có những nguy cơ nhất định, nhất là khi số lượng người liên quan lên tới hàng chục ngàn người.