News

6/recent/ticker-posts

Nghiên cứu mới: Giọt bắn chứa virus SARS-CoV-2 tồn tại lâu trong không khí

Ngày 19-9, trang SciTechDaily công bố nghiên cứu mới của Đại học Công nghệ Vienna (TU Wien, Áo) cho biết những giọt bắn nhỏ chứa virus SARS-CoV-2 biến mất chậm hơn sau khi thở ra, trái với các suy đoán trước đây.



Theo trang SciTechDaily, đại dịch COVID-19, dịch cúm và nhiều bệnh do virus khác dễ lây trong mùa đông hơn mùa hè. Độ ẩm tương đối đóng vai trò quan trọng trong xu hướng này. Trong không khí lạnh, hơi thở của con người sẽ ngưng tụ thành những giọt nhỏ.

Các mô hình trước đây cho rằng chỉ những giọt bắn lớn mới có nguy cơ lây nhiễm, vì những giọt bắn nhỏ bay hơi nhanh chóng. Tuy nhiên, nghiên cứu hợp tác giữa Đại học Công nghệ Vienna và Đại học Padova chỉ ra điều này không đúng.

Theo nghiên cứu, do độ ẩm cao trong không khí chúng ta hít thở, ngay cả những giọt bắn nhỏ cũng có thể lưu lại trong không khí lâu hơn suy đoán trước đây. Nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí khoa học PNAS.

Giáo sư Alfredo Soldati và nhóm nghiên cứu của ông tại Viện Cơ học chất lưu và truyền nhiệt thuộc Đại học Công nghệ Vienna đã nghiên cứu những dòng chảy bao gồm các thành phần khác nhau, được gọi là "dòng chảy đa pha".

Trong đó có không khí của một người bị nhiễm bệnh thở ra khi hắt hơi. Virus lây nhiễm sẽ nằm trong các giọt chất lỏng có kích thước khác nhau, trộn lẫn với khí.

Hỗn hợp trên dẫn đến một "hành vi dòng chảy tương đối phức tạp": cả giọt bắn và khí đều chuyển động, cả hai thành phần ảnh hưởng lẫn nhau, các giọt bắn có thể tự bay hơi và trở thành khí.

Để hiểu rõ ảnh hưởng, các nhà nghiên cứu thực hiện mô phỏng trên máy tính. Trong đó họ có thể tính toán sự phân tán của các giọt bắn và không khí thở ra theo các thông số môi trường khác nhau, chẳng hạn ở nhiệt độ và độ ẩm khác nhau.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tiến hành thí nghiệm lắp đặt vòi phun có van điều khiển bằng điện từ vào một đầu nhựa để phun hỗn hợp các giọt bắn và khí.

Quá trình này được quay lại bằng camera tốc độ cao, do đó có thể đo chính xác những giọt bắn nào còn sót lại trong không khí và trong bao lâu.

"Chúng tôi phát hiện các giọt bắn nhỏ lưu lại trong không khí lâu hơn suy đoán trước đây" - ông Alfredo Soldati cho biết.

Ông nói: "Có một lý do đơn giản giải thích cho điều này: tốc độ bay hơi của các giọt bắn không được xác định bởi độ ẩm tương đối trung bình của môi trường, mà bởi độ ẩm ngay tại vị trí của giọt bắn".

Không khí thở ra ẩm hơn nhiều so với không khí xung quanh, khiến các giọt bắn bay hơi chậm hơn. Khi các giọt đầu tiên bay hơi, điều này dẫn tới độ ẩm cao hơn, càng làm chậm quá trình bay hơi của các giọt bắn khác.

"Điều này có nghĩa là các giọt bắn nhỏ có thể lây nhiễm trong thời gian lâu hơn so với giả định. Nó cho chúng ta thấy phải nghiên cứu các hiện tượng như vậy theo cách chính xác để hiểu chúng. Khi đó chúng ta mới có thể đưa ra các khuyến nghị hợp lý về mặt khoa học, chẳng hạn liên quan vấn đề đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn" - ông Alfredo Soldati nói.