Sau bài viết Trách nhiệm nào cho những lộng ngôn trên mạng xã hội?, có hàng chục ngàn lượt chia sẻ và hàng trăm bình luận, ý kiến của độc giả từ khắp nơi gửi về bày tỏ nhiều ý kiến xác đáng.
Công Vinh cho bà Phương Hằng 2 ngày để chứng minh Thủy Tiên có 320 tỉ đồngGiáo viên lộ ảnh 'nóng' khi dạy trực tuyến: 'Nóng' đến mức nào sẽ bị xử lý?Bắt khẩn cấp kẻ cưỡng dâm và cướp tài sảnBắt tạm giam 3 F0 đang cách ly điều trị tập trung còn ăn nhậu, đánh người khi bị nhắc nhở
Trong số hàng trăm bình luận, ý kiến gửi về báo, đa số đều đồng thuận việc cần phải xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng mang xã hội phát ngôn lệch chuẩn, chửi bới, mạt sát người khác thiếu căn cứ, gây hệ lụy tiêu cực không chỉ trên môi trường mạng mà còn làm rối ren, hỗn loạn xã hội, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 đang căng thẳng như hiện tại. Nhiều bạn đọc như Ngô Công Lợi, Trần Thanh Liêm, Trương Thanh Tài, Lân Kì, Thắng Nguyễn, Long Nguyễn, Võ Đức Lành, Phạm Thị Thanh Nga, Hoàng Minh Kim… bày tỏ sự ủng hộ đối với bài viết của chúng tôi.
Đáng chú ý, bạn đọc Tung Triều mở đầu tranh luận rằng: “Nữ doanh nhân Phương Hằng từng tố ai? Là Võ Hoàng Yên. Rồi Hoài Linh chưa giải ngân tiền quyên góp, một số người chưa minh bạch tiền quyên góp từ thiện....Vậy thì bà Hằng sai chỗ nào?”. Trước ý kiến này, nhiều độc giả đã phản bác. Bạn đọc Sang Tran Vinh đáp lời: “Nếu người khác sai thì gửi đơn tố cáo một cách văn minh chứ đi lên mạng chửi làm gì?”. Bạn đọc Lê Minh Đại cũng bày tỏ: “Nếu bà Hằng có chứng cứ thì tại sao không gửi đơn tố cáo? Bà ta chỉ nói bằng những giấc mơ mà lại mạt sát người khác, làm tổn hại uy tín và danh dự họ”. Độc giả Minh Tâm Huỳnh nêu ý kiến: “Không phải là không được lên tiếng, vấn đề là nói như thế nào thôi, phản ảnh trên mạng hay với cơ quan luật pháp cần được khuyến khích, nhưng đừng dùng những từ ngữ không trong sáng, hằn học, thóa mạ, thách đố nhau... bởi điều đó sẽ như “những tấm gương”, ảnh hưởng đến thanh thiếu niên, nhi đồng... cũng xem livetream trên mạng”.
Bạn Bùi Văn Dũng viết: “Tôi ủng hộ việc cần xử lý nghiêm minh những người lợi dụng mạng xã hội bôi nhọ, xúc phạm danh dự người khác, nói năng thô lỗ, thiếu văn hóa. Việc phản ánh, tố cáo hành vi phạm pháp phải có chứng cứ chứ không thể nói bừa bãi theo kiểu bà Hằng như vậy. Tôi ủng hộ phải đưa ra pháp luật những người lợi dụng lòng tin của công chúng, hô hào “từ thiện “ nhưng lại ăn chặn tiền đó, nhưng người tố cáo phải hiểu và làm theo đúng luật pháp chứ không phải mượn mạng xã hội nói năng linh tinh thiếu văn hoá”.
Độc giả Nhựt Phan gửi ý kiến: “Tác giả bài viết đã nêu bật lên vấn đề mà xã hội đang quan tâm. Nếu ông A, bà B sai mà có chứng cứ, thì hãy làm đơn gởi đến cơ quan có thẩm quyền điều tra vào cuộc điều tra (đây là quyền và nghĩa vụ của công dân mà hiến pháp và pháp luật đã quy định rõ), không vì lẽ gì lại đấu tố nhau trên mạng xã hội với những ngôn từ rất khó nghe, đôi lúc còn dung tục nữa. Việc này làm ảnh hưởng đến xã hội rất lớn nếu để lâu dài. Giả sử trẻ vị thành niên và thanh niên mới lớn xem được người lớn nói chuyện với nhau như vậy, mà ở đây lại là người thành đạt có địa vị trong xã hội nữa (lứa tuổi nhỏ về mặt tâm lý hay thần tượng người thành đạt, chưa phân biệt hết sai trái) thì mức độ ảnh hưởng xã hội như thế nào. Tôi rất mong cơ quan có thẩm quyền vào cuộc chấn chỉnh lại những phát ngôn trên mạng xa hội, ngõ hầu làm sạch môi trường này”.
Còn bạn đọc có địa chỉ email ho…@yahoo.com bày tỏ: “Về lâu dài, hành động này (thóa mạ nhau trên không gian mạng) của những người nổi tiếng, thành đạt rất dễ khiến các bạn trẻ, kiến thức pháp luật và kinh nghiệm xã hội chưa đủ nhiều sẽ lầm tưởng đó là bình thường, là được phép, là ai cũng có thể làm thì xã hội sẽ ra sao? Một điều nữa, tôi rất sợ điều này sẽ trở thành trào lưu, nên rất mong có sự xử lý và hướng dẫn đúng luật về vấn đề của các bên liên quan”. Bạn đọc Hải Đăng gửi ý kiến: “Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ những hành vi kém văn hóa này, nó đã trở thành một vấn nạn thật sự nghiêm trọng đe dọa đến cuộc sống của nhân dân, làm ảnh hưởng và là hệ luỵ tiêu cực đến giới trẻ vì những phát ngôn dung tục, mạt sát, vu khống bôi nhọ danh dự của của người khác”.
Bạn đọc Hoan TD nói thêm: “Việt Nam chúng ta có luật pháp, có cơ quan hành pháp để luôn bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người lương thiện. Thiết nghĩ từ xưa tới nay, khi phát hiện nghi vấn, phát hiện tình nghi của một sự việc phạm pháp, một vụ án nào, người dân có quyền và có nghĩa vụ báo cáo với các cơ quan có chức trách để xử lý, nếu những nghi vấn của họ có cơ sở chính đáng. Thật nực cười khi cá nhân lại sử dụng sự ảnh hưởng của mình để công kích, chửi bới, lăng mạ những cá nhân khác trên mạng xã hội một cách mập mờ, thiếu thuyết phục rằng họ "mơ thấy" hay "nghe thấy". Làm rối loạn lòng dân, gây chia sẽ nội bộ, mất đoàn kết và thiếu tin tưởng lẫn nhau trong xã hội. Ai đúng ai sai rồi khi các cơ quan chức năng vào cuộc sẽ sáng tỏ. Nhưng cách suy nghĩ, hành động và lời nói gây mất văn hoá trên mạng xã hội là thứ cần phải loại bỏ, và không thể sau biết bao sự vụ, những người luôn cho rằng họ đúng, chỉ cần "xin lỗi" một lời vu vơ là qua chuyện. Đề nghị cơ quan chức năng xử lý và phạt thật nặng những ai làm sai, gian dối trong quá trình từ thiện, còn những ai trong sạch, xin hãy bảo vệ và trả lại công bằng cho họ. Những ai có những phát ngôn thô tục, bôi nhọ và chà đạp lên nhân phẩm của người khác, xin hãy nhắc nhở, và nếu họ sai, cũng xin hãy phạt thật nặng và yêu cầu xin lỗi toàn thể người dân Việt Nam vì những lời nói của họ đã làm ô bẩn rất nhiều môi trường mạng xã hội của chúng ta!”. Bạn đọc Phạm Minh thì khẩn thiết: “Đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc”. Còn độc giả Bùi Ân nhấn mạnh: “Không thể đóng phạt 7,5 triệu đồng rồi nhởn nhơ ngồi phòng lạnh phán xét và lăng mạ người khác tiếp”.
Bên cạnh đó, nhiều bạn đọc cũng thống nhất ý kiến như bạn đọc có địa chỉ email ki***@gmail.com đề nghị: “Tôi yêu cầu giới nghệ sĩ sao kê chứng minh mình không ăn chặn tiền từ thiện của nhân dân và không có việc trăm tỉ đồng bỏ túi riêng”.
Trước hiện tượng một số người lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như livestream, chia sẻ hình ảnh, video clip, trao đổi theo nhóm (group chat)... để đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, cuối tháng 5.2021, Bộ Thông tin - Truyền thông đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường rà soát, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội. Ngày 17.6.2021, Bộ Thông tin - Truyền thông tiếp tục ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội; nhưng xem ra vẫn chưa "đủ đô” khiến người sử dụng mạng xã hội nâng cao ý thức khi sử dụng.Thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải có những quy định chế tài nghiêm minh hơn nữa để tăng cường chấn chỉnh tình trạng này. Đồng thời, người nổi tiếng (bao gồm những ai có tên tuổi trong lĩnh vực của họ) và nghệ sĩ càng phải nên hành xử chuẩn mực, như một cách giữ gìn hình ảnh đẹp trong lòng khán giả.