Sau một thời gian dài ồn ào trên mạng xã hội về chuyện quyên góp và phân phối tiền từ thiện của nhiều người nổi tiếng, mới đây, cả Bộ Công an và Công an TP.HCM đều xác nhận đã tiếp nhận đơn tố giác của các cá nhân liên quan.
Từ thiện cần minh bạch: Những 'lỗ hổng' cần giải quyếtĐược mất gì sau 'khủng hoảng' sao kê từ thiện của nghệ sĩ Việt?Bộ Công an nhận đơn tố cáo liên quan tiền từ thiệnCông bố sao kê tài khoản kêu gọi từ thiện: Đã đủ cho sự minh bạch?
Vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên cũng phải ra ngân hàng in sao kê tiền kêu gọi từ thiện sau khi bị tố ăn chặn tiền. Ảnh: TIẾN VŨ
Công an TP.HCM xác nhận đã nhận được đơn tố cáo của một số nghệ sĩ đối với hành vi vu khống, làm nhục người khác.
Bộ Công an cũng xác nhận đã tiếp nhận đơn tố cáo của một số cá nhân nghi ngờ có dấu hiệu không minh bạch từ những người kêu gọi từ thiện.
Đương nhiên, sau khi tiếp nhận, cơ quan điều tra sẽ xác minh các đơn này, rồi tùy thuộc vào kết quả xác minh mà đưa ra các biện pháp tố tụng phù hợp.
Đây chính là điều công chúng mong đợi, chứ không phải những buổi livestream để thanh minh hay tố qua tố lại, dùng lời lẽ mạt sát lẫn nhau giữa các nghệ sĩ và một nữ doanh nhân.
Bởi, mọi người đều sống trong khuôn khổ pháp luật và tất cả mọi thứ liên quan đến con người, tài sản, nhân phẩm, quan hệ... đều được pháp luật bảo vệ.
Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại
Câu chuyện ồn ào trên mạng xã hội trong thời gian qua là những buổi livestream của một nữ doanh nhân tố cáo hành vi lừa dối người dân về việc chữa bệnh, sau đó đến việc tố nghệ sĩ kêu gọi tiền từ thiện nhưng lại không trao cho người dân…
Nữ doanh nhân này sau một thời gian tham gia mạng xã hội đã có lượng người theo dõi đông đảo, và đương nhiên, các nghệ sĩ bị nhắc tên cũng có lượng theo dõi không kém.
Thế nên, việc hai bên dùng mạng xã hội để nói qua nói lại với nhau cũng kéo theo hàng ngàn người "bảo vệ" thần tượng của mình lao vào mạt sát nhau không thương tiếc.
Đáng sợ nhất là ngoài những lời nói của chính chủ "tố" người khác, thì nhiều người dùng mạng xã hội đã cắt ghép clip, hình ảnh để làm méo mó nội dung thật của những vấn đề được chia sẻ, thậm chí mức độ, xúc phạm, làm nhục người khác còn nghiêm trọng hơn chính những người trong cuộc nói ra.
Bởi thế, ai cũng cảm thấy mình bị tổn thương, mình là nạn nhân, và tiếp tục những lời qua tiếng lại trên mạng. Người dùng mạng xã hội cũng chia rẽ theo phe, phe bảo vệ nghệ sĩ, phe yêu cầu minh bạch tiền từ thiện đả kích nhau tạo ra một bức tranh xấu xí.
Rất nhiều người trong ngành luật đã có lời khuyên: Hãy dùng pháp luật, tòa án để giải quyết mâu thuẫn hoặc các vấn đề tranh chấp. Hoặc hãy tố cáo nếu hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện.
Cuối cùng, sau một thời gian dài tranh cãi thì đơn của các bên đã được gửi và cơ quan chức năng chính thức thụ lý.
Dùng pháp luật giải quyết là văn minh
Luật sư Nguyễn Đức Chánh - Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng dùng pháp luật để giải quyết là việc làm văn minh. Mạng xã hội hay cá nhân người dùng mạng xã hội không có quyền phán xét một hành vi chưa được cơ quan chức năng làm rõ và kết luận.
Việc tranh cãi trên mạng làm cho mâu thuẫn của các bên thêm sâu sắc. Do đó, nếu đã nộp đơn thì các bên nên chờ và hợp tác với cơ quan chức năng để cơ quan chức năng giải quyết.
"Thực tế, các cuộc tranh luận trên mạng không bao giờ đi đến hồi kết và không đưa ra được kết luận ai đúng ai sai, ai thích ai, ai quý ai, ai tin ai hoàn toàn là câu chuyện cảm tính cá nhân.
Khi không đưa ra được kết luận thì khiến dư luận nghi ngại nhiều điều, nhất là trong những tình huống cấp bách cần sự chung tay nhưng người đóng góp thì nghi ngại, người vận động thì ngại ngần… Vậy nên, cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ là hết sức cần thiết" - ông Chánh nói.
Đồng quan điểm với luật sư Chánh, một cựu kiểm sát viên cũng cho rằng lẽ ra cơ quan chức năng nên vào cuộc sớm hơn, ngay từ khi những ồn ào trên mạng bắt đầu, liên quan đến số tiền từ thiện rất lớn.
Cơ quan chức năng vào cuộc sớm thì sớm giúp các bên làm minh bạch mọi chuyện, bảo vệ ngay lập tức uy tín của những người trong sạch và cũng làm rõ được ngay những khuất tất nếu có.
"Mọi việc đã có cơ quan chức năng giải quyết, hy vọng các bên không tranh cãi để chờ kết luận cuối cùng để trả lại sự trong sạch cho những người tử tế và xử lý những hành vi sai phạm (nếu có)" - vị này nói.