Ngày 8-9, một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ đã áp sát đá Vành Khăn bị Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa trái phép. Động thái này diễn ra chỉ 1 tuần sau khi Trung Quốc áp đặt luật mới, yêu cầu các tàu nước ngoài 'báo cáo'.
Theo thông cáo được phát trên trang web của Hạm đội 7 (Mỹ), hoạt động của tàu khu trục USS Benfold quanh đá Vành Khăn là một phần của chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông.
Hạm đội 7 cũng bác bỏ việc đã bị tàu chiến và máy bay Trung Quốc xua đuổi khi tiến vào vùng nước 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn.
"Theo luật quốc tế đã được phản ánh trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, trong trạng thái hình thành tự nhiên, các thực thể địa lý như đá Vành Khăn bị nhấn chìm lúc thủy triều lên nên không được hưởng quy chế lãnh hải.
Các nỗ lực cải tạo đất, lắp đặt và xây dựng cấu trúc trên đá Vành Khăn không làm thay đổi đặc điểm này theo luật quốc tế.
Bằng cách tham gia vào các hoạt động bình thường trong phạm vi 12 hải lý của đá Vành Khăn, Mỹ đã chứng minh rằng các tàu thuyền có thể thực hiện hợp pháp các quyền tự do trên biển ở những khu vực đó", thông cáo của Hạm đội 7 nhấn mạnh đến tính pháp lý.
Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là một trong những thực thể nhân tạo lớn nhất bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo phi pháp.
Chính quyền Bắc Kinh đã ngang nhiên triển khai nhiều loại khí tài đến thực thể này, trong đó có các tàu tên lửa tốc độ cao và tên lửa phòng không.
Không lâu sau khi Mỹ phát thông cáo về hoạt động của tàu USS Benfold, Chiến khu Nam bộ của Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích.
Điền Quân Lý (Tian Jun Li) - phát ngôn viên của Chiến khu Nam bộ - tuyên bố lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc đã "theo dõi toàn bộ quá trình, giám sát và cảnh báo tàu Mỹ rời đi".
Ông này kế đó ngang nhiên tuyên bố Trung Quốc có chủ quyền đối với "các đảo và vùng biển lân cận", lên án Mỹ là nhân tố phá hoại hòa bình khu vực.
Trong thông cáo đáp trả cùng ngày 8-9, Hạm đội 7 bác bỏ cái gọi là xâm phạm chủ quyền Trung Quốc. Thông cáo đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh đang cố tình "xuyên tạc các hoạt động hàng hải hợp pháp của Mỹ và củng cố các yêu sách hàng hải quá đáng, bất hợp pháp" trên Biển Đông.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục di chuyển trên biển và trên không, hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép, như cách tàu USS Benfold đã làm. Trung Quốc nói gì cũng không ngăn cản được chúng tôi", Hạm đội 7 chốt vấn đề.
Mỹ xác nhận tàu sân bay đang ở Biển Đông
Trong một thông cáo khác cùng ngày 8-9, Hạm đội 7 xác nhận nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson đã tiến vào Biển Đông.
Ngoài tàu sân bay Carl Vinson, nhóm tàu sân bay Mỹ còn có tuần dương hạm USS Lake Champlain (CG 57), khu trục hạm USS Chafee (DDG 90) và tàu tác chiến ven bờ USS Tulsa (LCS 16).
Theo thông cáo của Hạm đội 7, trong thời gian ở Biển Đông, nhóm tàu sân bay Carl Vinson sẽ tiến hành các hoạt động an ninh hàng hải, huấn luyện chiến thuật phối hợp giữa các tàu chiến mặt nước và máy bay.
Chuẩn đô đốc Dan Martin, chỉ huy nhóm tàu sân bay Carl Vinson, nhấn mạnh sự hiện diện của các tàu chiến Mỹ là vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, hướng tới duy trì hòa bình và ổn định cùng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Trước khi tiến vào Biển Đông, nhóm tàu sân bay Carl Vinson đã tham gia cuộc tập trận quy mô lớn 2021 (LSE 2021) và diễn tập với nhóm tàu sân bay Anh, các tàu chiến của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.