Thời gian qua nhiều nghệ sĩ bị 'bóc phốt' tiền quyên góp từ thiện dẫn đến 'cuộc chiến' sao kê để đòi hỏi sự minh bạch từ họ. Vậy sẽ được, mất gì sau cuộc 'khủng hoảng' sao kê từ thiện?
Công bố sao kê tài khoản kêu gọi từ thiện: Đã đủ cho sự minh bạch?Công Vinh - Thủy Tiên không mời công ty kiểm toán vào cuộc để đảm bảo tính minh bạch: VÌ SAO?Luật sư nói sẽ gửi văn bản tố cáo, Thủy Tiên chỉ mong bình yên cho gia đìnhThủy Tiên - Công Vinh nhận 18.000 trang sao kê, tuyên bố kiện người vu khống
Nhìn lại, giới nghệ sĩ làm công tác thiện nguyện rất nhiều. Họ đã góp phần rất lớn để giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, khi người dân miền Trung oằn mình trong bão lũ. Việc họ đứng ra quyên góp với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng đã từng khiến hình ảnh của họ trở nên đẹp hơn trong mắt công chúng. Hình ảnh một “cô Tiên” lăn xả trong cơn lũ để đến với người dân miền Trung từng lay động hàng triệu con tim. Và bây giờ cũng chính những người từng được tung hô ấy như Thủy Tiên, Hoài Linh, Trấn Thành, Đàm Vĩnh Hưng lại trở thành “cái gai” trong “nghi án” ăn chặn tiền từ thiện. Hoài Linh mất hết uy tín, thậm chí có thể là sự nghiệp của một danh hài, Trấn Thành phải sao kê 1.000 trang giấy tiền từ thiện rồi chụp lại để đăng công khai lên trang Fanpage của mình. Và mới đây hôm 17.9 Thủy Tiên - Công Vinh cũng phải đến ngân hàng sao kê 18.000 trang giấy tiền từ thiện trước sức ép của dư luận.
Dù đã sao kê, chứng minh số tiền quyên góp được, chưa biết họ có ăn chặn hay không, đúng hay sai thì cũng đã tạo nên sự “khủng hoảng” niềm tin trong công chúng. Uy tín, công việc của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Những mệt mỏi, hệ lụy sau đó chưa hẳn chấm dứt. Bởi vậy nên Thủy Tiên sau đó đã chia sẻ lên trang cá nhân rằng cô sẽ không kêu gọi quyên góp từ thiện nữa. Trước tuyên bố này nhiều người cũng đã mỉa mai rằng: “Bạn có kêu gọi cũng không ai dám đưa cho đâu, mất niềm tin rồi”; “Nếu như muốn tiếp tục kêu gọi từ thiện thì hỏi rằng có ai sẽ góp tiền vào tài khoản của mình nữa không khi mà những lùm xùm kéo dài xảy ra thời gian qua, gây ồn ào mạng xã hội”; “Đứng ra kêu gọi thì cũng đánh bóng tên tuổi của mình, thêm nhiều hợp đồng quảng cáo, thêm nhiều tiền. Cái mọi người cần là minh bạch. Cứ minh bạch là được, sao phải giận lẫy nhỉ, sao kê là việc nên làm mà”.
Làm việc thiện nguyện vốn thuộc về cái tâm bởi con người ai cũng có lòng trắc ẩn. Nghệ sĩ là người của công chúng thì ở họ còn có trách nhiệm đối với xã hội và cộng đồng. Công bằng mà nói thì nghệ sĩ làm từ thiện cũng được lợi về mặt hình ảnh. Nhưng dù là mục đích gì thì chỉ cần giúp ích được cho nhiều người thì việc làm đó đáng được ghi nhận, trân trọng nếu làm đúng, làm một cách công tâm, minh bạch. Sau cuộc “khủng hoảng” sao kê từ thiện này có lẽ nhiều nghệ sĩ sẽ như “con chim sợ cành cong” nên không đứng ra quyên góp từ thiện nữa. Âu đó cũng là tâm lý lo ngại thường tình nhưng cũng phải nói lại rằng “vàng thật không sợ lửa”. Nếu làm từ thiện, quyên góp tiền từ thiện một cách minh bạch, làm bằng cái tâm trong sáng thì chẳng việc gì phải sợ như một độc giả dẫn chứng: “Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương, làm từ thiện mấy chục năm qua, kêu gọi quyên góp, giúp đỡ hàng vạn cảnh đời, sao không điều tiếng gì hết. Sao những nghệ sĩ em út, cháu chắt này ồn ào và rắc rối vậy? Đó là sự minh bạch. Từ thiện mà không minh bạch thì có nói gì vẫn điều tiếng”.
Đúng vậy, minh bạch chính là “chìa khóa” mở ra hết những hoài nghi, thắc mắc mà nhiều nghệ sĩ nói riêng, người làm công việc thiện nguyện nói chung phải lấy làm “kim chỉ nam” nếu tiếp tục muốn làm từ thiện. Việc này chắc chắn không hề khó. Và phải minh bạch ngay từ đầu chứ không phải đợi đến lúc có người “réo tên” thì mới cần minh bạch. “Minh bạch thu chi trong kêu gọi từ thiện là việc cần phải làm. Lẽ ra phải làm tự giác từ lâu rồi. Xin nhắc lại là sao kê chỉ thể hiện phần thu thôi”. “Minh bạch ngay từ đầu khi kêu gọi từ thiện là vấn đề đạo đức, cái tâm và sự biết ơn tới các cá nhân, tập thể đã gửi tiền cho mình…", nhiều độc giả góp ý.
Cũng cần phải nói thêm rằng trong việc kêu gọi tiền từ thiện nếu muốn thực sự minh bạch để tránh những rắc rối về sau thì ngay từ đầu các nghệ sĩ nên lường trước hệ lụy khi mà số tiền quyên góp được lại rất lớn như thế. Làm từ thiện cũng phải cần chuyên nghiệp để mọi thu chi có chứng cứ, thông tin rõ ràng và có một bộ phận chuyên trách hỗ trợ, thậm chí là về pháp lý để bảo vệ “người trong cuộc”. Và cũng cần phải có những quy định chặt chẽ dành cho cá nhân, tổ chức làm thiện nguyện như một số bạn đọc phản hồi: “Tôi tin rằng vẫn có nhiều người làm từ thiện với cái tâm. Cái thiếu ở đây là thiếu những quy định chặt chẽ của công tác từ thiện. Vì vậy các cơ quan pháp luật phải mau chóng vào cuộc và có những quy định chặt chẽ này”; “Pháp luật phải bảo vệ những người làm từ thiện chân chính để họ có động lực, niềm tin giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn”.