Tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo ngày 12-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có những trao đổi về tình hình khu vực, trong đó có Biển Đông và biển Hoa Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo (trái) và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại trụ sở Chính phủ sáng 12-9 - Ảnh: TTXVN
Tại trụ sở Chính phủ sáng 12-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh ngài Kishi Nobuo chọn Việt Nam là quốc gia tới thăm đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng. Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, có độ tin cậy cao trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Việt Nam đang thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam hoan nghênh những đóng góp tích cực của Nhật Bản và ủng hộ Nhật Bản ngày càng có vai trò lớn hơn trong duy trì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực cũng như trên thế giới.
Về vấn đề trên biển, trong đó có Biển Đông, biển Hoa Đông, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định quan điểm của Việt Nam là duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không.
Việt Nam mong muốn giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng các biện pháp hòa bình qua các tiến trình ngoại giao trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nước.
Về các vấn đề khu vực khác, Việt Nam ủng hộ tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nghiêm túc thực hiện các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Phía Nhật Bản khẳng định ủng hộ các nỗ lực của ASEAN về vấn đề Myanmar, trong đó có việc triển khai thực hiện Đồng thuận 5 điểm đã được lãnh đạo cấp cao ASEAN thông qua nhằm chấm dứt bạo lực, mang lại hòa bình, ổn định và cuộc sống an toàn cho người dân.
Tương tự, tại buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Kishi sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng hoan nghênh, ủng hộ Nhật Bản vì những đóng góp tích cực trong duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đồng thời đánh giá cao lập trường của Nhật Bản về đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, cũng như việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt UNCLOS 1982, cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Lãnh đạo Việt Nam chia sẻ với những khó khăn của Nhật Bản do đại dịch COVID-19, đánh giá cao Nhật Bản đã hỗ trợ hiệu quả, kịp thời cho các nước bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó có Việt Nam.
Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đều đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ vắc xin và tiếp cận vắc xin cho Việt Nam, đặc biệt trong tháng 9 và tháng 10 này, cũng như hợp tác chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế.
Thủ tướng cũng đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục dành các dự án ODA mới, ưu tiên cho phát triển hạ tầng chiến lược, và khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục tạo môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi và sẵn sàng đồng hành, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong kiểm soát và ứng phó với đại dịch COVID-19, khẳng định sẽ trao đổi với các cơ quan liên quan để tiếp tục viện trợ vắc xin cho Việt Nam.
Bộ trưởng Kishi khẳng định quan hệ quốc phòng hai nước đã bước vào giai đoạn phát triển mới.
Ông nhấn mạnh Việt Nam ngày càng có vai trò chiến lược quan trọng, Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên như khắc phục hậu quả chiến tranh, gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, chuyển giao thiết bị, công nghệ quốc phòng và tìm kiếm cứu nạn.