News

6/recent/ticker-posts

Vụ 50 nữ sinh hỗn chiến: Vì sao nữ sinh cũng bạo lực không khác gì nam?

Mới đây, 50 nữ sinh hỗn chiến bằng dao, tuýp sắt, mũ bảo hiểm tại H.Hoa Lư, Ninh Bình khiến xã hội hoang mang: Vì sao nữ sinh ngày nay bạo lực không khác gì nam?


Cảnh nữ sinh hỗn chiến tại Ninh Bình

Giải quyết mâu thuẫn bằng mã tấu, tuýp sắt

Chiều qua 13.9, công an tỉnh Ninh Bình có thông tin về vụ 50 nữ sinh hỗn chiến tại một địa phương thuộc tỉnh nhà. Theo đó, nữ sinh T.T.N.A (học sinh lớp 11B Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên H.Hoa Lư) có mẫu thuẫn với nữ sinh N.T.H lớp 12B cũng thuộc trung tâm này. Vào 14 giờ ngày 12.9, A. và H. đã hẹn nhau ra khu vực đê sông Hoàng Long (thuộc địa phận thôn Bãi Trữ, xã Ninh Giang, H.Hoa Lư) để giải quyết mâu thuẫn.

Cùng đến điểm hẹn với A. là khoảng 30 bạn học và bạn cùng trang lứa. Trong khi đó, H. cũng gọi khoảng 20 ban bè đi cùng để "cân bằng lực lượng". Khi gặp nhau, cả 2 nhóm đã dùng dao, gậy, tuýp sắt, mũ bảo hiểm lao vào đánh nhau. Trong quá trình xô xát, Đ.T.T (thuộc nhóm của H., 27 tuổi) đã bị V.N.K.N (16 tuổi, là người thuộc nhóm của A.) đánh dẫn đến thương tích, phải nhập viện điều trị.

Hung khí trong cuộc hỗn chiến của nữ sinh H.Thống Nhất, Đồng Nai

Trong những năm gần đây, Báo Thanh Niên cũng từng đưa tin về nhiều vụ việc nữ sinh đánh nhau rất bạo lực. Chẳng hạn ngay tại Trung tâm hành chính H.Thống Nhất, Đồng Nai, từng xảy ra vụ việc hai nhóm nữ sinh của một trường THPT tại H.Thống Nhất hỗn chiến khiến do 2 người thuộc 2 nhóm có mâu thuẫn với nhau từ trước. Trong lúc đánh nhau, một học sinh trong nhóm của nữ sinh A. còn gọi điện cho một số thanh niên mang mã tấu đến để tiếp tục đánh nhóm của nữ sinh N. Hậu quả là N. bị đánh rách mặt, chảy máu.

Hay chỉ vì mâu thuẫn trong chuyện tình cảm mà 2 nữ sinh Trường THCS Đặng Trần Côn và Trường THCS Nguyễn Huệ, cùng Q.Tân Phú, TP.HCM đã rủ 2 nhóm bạn lao vào đánh nhau dẫn đến một nữ sinh bị thương ở mặt. Ngày 12.9 mới đây, trên mạng xã hội cũng lan truyền đoạn clip quay lại cảnh một nữ sinh ở Yên Bái bị một nhóm nữ xông vào đánh, dùng chân đá người, vào mặt, 2 bên đầu, khiến nữ sinh này chảy máu nhiều chỗ trên mặt.

Chuyện nữ sinh giải quyết mâu thuẫn bằng việc chửi bới, đánh đập nhau giờ đây dường như đã không còn xa lạ. Tình trạng này diễn ra nhiều và ngày càng nghiêm trọng đến mức đáng báo động.

Bình đẳng giới cực đoan chính là nguyên nhân?

Lý giải về hiện tượng nữ sinh ngày càng bạo lực, tiến sĩ Nguyễn Hồng Phan, Trưởng Bộ môn tâm lý giáo dục, Khoa Giáo dục, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: "Xét về mặt tâm lý lứa tuổi, thì nam hay nữ ở tuổi mới lớn đều có tâm sinh lý chưa cân bằng, dễ bị kích động, thích thể hiện cái tôi và khá hiếu thắng. Vì thế, khả năng nảy sinh bạo lực học đường xảy ra ở nam và nữ là tương đương nhau, tuy nhiên tính chất của nữ thiên về bạo lực tinh thần hơn như chửi bới, thoá mạ, còn nam thiên về giải quyết bằng tay chân nhiều hơn".

Điều khiến nữ sinh ngày nay sẵn sàng lao vào đánh nhau, theo tiến sĩ Phan, là do tác động của xã hội. "Ở thế hệ 8X trở về trước, giáo dục gia đình, nhà trường và các quy tắc xã hội vẫn còn ảnh hưởng ít nhiều của Nho giáo. Nữ thì phải lưu ý "công, dung, ngôn, hạnh", có những khuôn phép ứng xử khác với nam. Ngày nay, kinh tế thị trường đã làm thay đổi các định hướng về giá trị sống. Xã hội đề cao bình đẳng giới, nam nữ gần như không còn ranh giới, nữ có thể ăn mặc, làm việc, thể hiện cá tính như nam mà ít vấp phải rào cản. Tuy nhiên, thế hệ ngày nay chưa được giáo dục thế nào là tự do về nhận thức, những việc gì nên làm, việc gì vẫn không nên làm, nếu làm thì hậu quả ra sao... nên kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết vấn đề và chịu trách nhiệm về hành động của mình vẫn còn rất yếu", tiến sĩ Phan phân tích.

Trong khi đó, thạc sĩ Lê Minh Tiến, giảng viên Khoa Xã hội học, Trường ĐH Mở TP.HCM, nhận định sự bình đẳng giới mà xã hội thời nay đang thể hiện, là một sự "bình đẳng giới cực đoan". Thạc sĩ Tiến chia sẻ: "Chúng ta từng có sự bất bình đẳng giới cực đoan khi thời xưa nữ giới bị bó buộc trong những khuôn khép vô cùng khắt khe do ảnh hưởng của Nho giáo. Quá trình hiện đại hóa đã dần phá vỡ những khuôn phép đó, đưa quyền nữ giới lên ngang hàng với nam giới, không còn có sự phân biệt. Thế nhưng, chúng ta đang đi từ bất bình đẳng giới cực đoan sang bình đẳng giới cực đoan. Lẽ ra, bình đẳng ở đây nên được hiểu ở khía cạnh là nữ có quyền làm việc, thể hiện cá tính, có tiếng nói... như nam giới, chứ không phải là nữ phải được chửi thề, đánh nhau... như nam".

Thạc sĩ Tiến cho rằng sự bình đẳng cực đoan đó còn được lan truyền mạnh mẽ bởi các phương tiện thông tin, đặc biệt là mạng xã hội. "Trên các kênh như YouTube, Facebook hay thậm chí trên tivi, rạp chiếu phim..., vẫn có không ít những bộ phim nói về bạo lực mà trong đó, người cầm đầu băng nhóm xã hội đen lại là nữ giới. Điều này sẽ có tác động ghê gớm tới tâm lý của giới trẻ, khiến tuổi mới lớn dễ bị ảnh hưởng, lệch lạc về nhận thức dẫn đến hành động cũng lệch lạc", thac sĩ Tiến cho hay.

Theo tiến sĩ Phan, phụ huynh và nhà trường rất cần giúp trẻ nhận thức đúng về bình đẳng giới để tránh hiểu sai dẫn đến những định hướng sai về tính cách, hành động trong suốt cuộc đời của trẻ. "Đặc biệt cần giáo dục kỹ năng sống, kiến thức về pháp luật... cho tuổi mới lớn để các em biết cách giải quyết những mâu thuẫn cá nhân, biết hành xử phù hợp với các chuẩn mực xã hội và pháp luật, tránh xảy ra các vụ "nữ sinh hỗn chiến" như ở trên", tiến sĩ Phan lưu ý.