News

6/recent/ticker-posts

Vụ án bác sĩ hiếp dâm, đánh đập nữ điều dưỡng sắp xử phúc thẩm

Theo Sở Y tế Thừa Thiên Huế, việc giám định thương tích của bị hại trong vụ bác sĩ Lê Quang Huy Phương đánh đập, hiếp dâm nữ điều dưỡng là không khách quan nên đề nghị trưng cầu thực hiện giám định lại thương tích đối với bị hại.


Sở Y tế Thừa Thiên Huế cho rằng việc giám định thương tích bị hại trong vụ án bác sĩ Lê Quang Huy Phương đánh đập, hiếp dâm nữ đồng nghiệp là chưa khách quan và đề nghị giám định lại 

Tuy nhiên, kết luận này đã vấp phải sự phản đối của ông Nguyễn Hoài An - giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế, vì ông An cho rằng mình làm đúng quy định và Sở Y tế đã can thiệp quá sâu vào hoạt động giám định tư pháp.

Sau phiên tòa sơ thẩm, nhiều bên trong vụ án (người nhà bị cáo, cơ quan công tố...) đã kháng nghị bản án. Dự kiến phiên tòa phúc thẩm vụ án này sẽ diễn ra vào ngày 30-9 tới.

Giám định trái quy định?

Sau khi tòa sơ thẩm tuyên án 6 năm 8 tháng tù giam với Lê Quang Huy Phương vì hành vi hiếp dâm và cố ý gây thương tích, gia đình Phương đã gửi đơn tố cáo ông Nguyễn Hoài An vì cho rằng ông An cố ý thực hiện giám định trái pháp luật khiến Phương bị khởi tố, bắt giam và kết án oan sai.

Nhận được đơn tố cáo, Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế đã có văn bản gửi Viện Pháp y quốc gia về vụ việc trên. Sau khi nghiên cứu hồ sơ và các tài liệu liên quan, Viện Pháp y quốc gia đã có văn bản trả lời về vụ việc gửi Sở Y tế Thừa Thiên Huế và các bên liên quan.

Theo Viện Pháp y quốc gia, Trung tâm Pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra kết luận tỉ lệ tổn thương cơ thể ban đầu trên người nạn nhân D.H.T.T. bằng 9% là đúng theo quy định.

Việc có một trong 2 bản kết luận giám định gửi cơ quan điều tra bị thiếu chữ ký của giám định viên Lê Tự Hùng được xác định có thể là lỗi hành chính trong quá trình ký và bàn giao kết luận, không ảnh hưởng tới bản chất của việc thực hiện và kết luận giám định.

Về việc giám định bổ sung và kết luận tỉ lệ tổn thương là 31%, Trung tâm Pháp y quốc gia cũng cho rằng giám định viên kết luận không trái với quy định pháp luật.

Tuy nhiên, sau khi nhận được văn bản của Viện Pháp y quốc gia, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế lại ban hành văn bản trả lời khiếu nại tố cáo cùng vụ việc trên nhưng có nội dung kết luận trái ngược.

Theo đó, Sở Y tế cho rằng các nội dung tố cáo ông An đều "đúng một phần", trong đó cho rằng giám định viên thực hiện giám định phần mềm ban đầu khi nạn nhân đang nhập viện điều trị sau vụ việc là vội vàng, không có cơ sở để đánh giá các thương tích bầm tụ máu, dập cơ của người được giám định ở mức độ nào, có để lại sẹo xơ cứng hay không.

Do đó, Sở Y tế cho rằng 9% tỉ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân được kết luận là không khách quan.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng cho rằng bản kết luận giám định bổ sung (kết luận ngày 5-11-2019) không khách quan, chưa tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định.

Nguyên nhân là trong quá trình thực hiện giám định, giám định viên chỉ căn cứ vào kết quả khám mắt tại Bệnh viện Mắt Huế (được yêu cầu giám định bổ sung) mà không nghiên cứu tài liệu, hồ sơ bệnh án quá trình điều trị của bệnh nhân từ khi vào viện đến khi ra viện tại Bệnh viện Trung ương Huế (nơi nạn nhân nhập viện cấp cứu ngay sau khi xảy ra vụ việc)… để đánh giá một cách khách quan, toàn diện trước khi kết luận và định tỉ lệ tổn thương mắt.

Do đó, Sở Y tế cho rằng "không loại trừ khả năng tổn thương mắt ở các lần khám sau này không phải do nghi can gây ra".

Tòa phúc thẩm nên thận trọng

Sau khi nhận được kết luận của Sở Y tế, ông Nguyễn Hoài An cho biết ông không chấp nhận bản kết luận nêu trên, và Sở Y tế đã can thiệp quá sâu vào hoạt động chuyên môn là giám định tư pháp.

Trao đổi với PV, luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho biết trong trường hợp này hai văn bản trả lời, kết luận vụ việc của Viện Pháp y quốc gia và của Sở Y tế Thừa Thiên Huế đều có giá trị pháp lý.

Luật sư Cao nhận xét các đánh giá, kết luận trong bản kết luận nội dung tố cáo của Sở Y tế Thừa Thiên Huế nhằm mục đích giải quyết tố cáo và không thể xem đó là can thiệp vào hoạt động giám định pháp y.

Theo luật sư Cao, trong vụ việc này hai cơ quan là Viện Pháp y quốc gia và Sở Y tế không có vi phạm thẩm quyền, không vượt quyền nhưng lại đưa ra kết luận khác nhau, dẫn đến không biết áp dụng văn bản của cơ quan nào là đúng.

"Do đó, tòa phúc thẩm vụ án cần thận trọng khi xem xét, đánh giá và áp dụng các kết luận của Sở Y tế và Viện Pháp y quốc gia trong vụ việc này bởi nó liên quan đến việc quyết định hình phạt, quyết định số phận pháp lý của một con người", ông Cao nói.

Vụ án bác sĩ Lê Quang Huy Phương đánh đập, hiếp dâm nữ đồng nghiệp là điều dưỡng tại bệnh viện từng gây chấn động dư luận xảy ra vào ngày 17-9-2019.

Sau nhiều lần diễn ra xét xử, đến ngày 26-3-2021, Tòa án nhân dân TP Huế đã tuyên án sơ thẩm 6 năm 8 tháng tù giam đối với Lê Quang Huy Phương vì tội danh hiếp dâm và cố ý gây thương tích. Ngoài ra Phương còn bị tuyên án 6 tháng cải tạo không giam giữ vì hành vi giữ người trái pháp luật.