Một tình huống hiếm gặp xảy ra trong vụ án tại Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh: 3 cựu quan chức thừa nhận được chi "hoa hồng" hơn 30 tỉ đồng, nhưng bà Hoàng Thị Thúy Nga, Chủ tịch Hội đồng sáng lập NSJ Group - người bị cáo buộc đưa tiền, lại chối bay.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định bà Hoàng Thị Thúy Nga "móc ngoặc" với lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh, đồng thời chỉ đạo cấp dưới thực hiện chuỗi hành vi gian lận để thâu tóm các dự án mua sắm trang thiết bị dạy học trên địa bàn tỉnh.
Chỉ trong 4 năm, từ 2016 - 2019, nhóm công ty của bà Nga đã trúng 6 gói thầu với tổng giá trị hơn 636 tỉ đồng. Tại 2 gói thầu năm 2019 có tổng giá trị hơn 323 tỉ đồng, cơ quan điều tra xác định thiệt hại hơn 80 tỉ đồng, là số tiền bị nâng khống giữa giá khai báo hải quan và giá gốc của hãng sản xuất.
Bà Vũ Liên Oanh (trái), cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh, và bà Hoàng Thị Thúy Nga, Chủ tịch Hội đồng sáng lập NSJ Group
Chi "hoa hồng" từ khi đương chức đến lúc về hưu
Theo kết luận điều tra, sau khi thực hiện xong các gói thầu, bà Nga đã chi tổng cộng hơn 30 tỉ đồng cho 3 cán bộ thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, bà Vũ Liên Oanh, cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh, 14 tỉ đồng; ông Ngô Vui, cựu Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh), 14,8 tỉ đồng; ông Hà Huy Long, cựu Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, gần 1,9 tỉ đồng.
Với bà Oanh, do được tạo điều kiện để trúng thầu, bà Nga đã 4 lần đưa tiền cho vị cựu giám đốc sở. Lần thứ nhất là đầu năm 2017, bà Nga đến tận trụ sở Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh đưa 1 tỉ đồng. Lần thứ hai là đầu năm 2018, bà Nga tiếp tục đến trụ sở Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh đưa 3,5 tỉ đồng. Lần thứ ba là đầu năm 2019, vẫn tại trụ sở Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh, bà Nga đến và đưa 5 tỉ đồng. Lần thứ tư là đầu năm 2020, khi này bà Oanh đã về hưu, bà Nga đến nhà riêng đưa 4,5 tỉ đồng.
Với ông Vui, mặc dù không có sự đòi hỏi hoặc thỏa thuận từ trước nhưng sau khi nhóm công ty của mình trúng các gói thầu, từ năm 2016 - 2018, bà Nga trực tiếp 3 lần đến phòng làm việc của ông Vui tại Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh để cảm ơn bằng tiền. Năm 2019, bà Nga còn giao cho nhân viên đưa tiền cho ông Vui, ông Vui nhờ con gái 2 lần đến Công ty NSJ để lấy tiền mang về.
Tương tự với ông Long, dù không đòi hỏi hoặc yêu cầu gì nhưng sau khi dự án hoàn thành, từ năm 2016 - 2019, bị can này được bà Nga 4 lần đưa tiền cảm ơn, một lần do nhân viên của bà Nga dẫn người tới đưa. Tổng số tiền gần 1,9 tỉ đồng, ông Long sử dụng để chi tiêu cá nhân.
Đến nay, 2 bị can Vui và Long đã khắc phục toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính. Bà Oanh dù có mong muốn nộp lại 14 tỉ đồng nhưng gia đình chưa thực hiện được.
Người cầm tiền thừa nhận, kẻ đưa tiền lại chối
Một tình huống hiếm gặp xảy ra. Trong khi 3 cựu quan chức ngành giáo dục tỉnh Quảng Ninh đều thừa nhận được chi "hoa hồng" hơn 30 tỉ đồng, thậm chí đã tự nguyện nộp lại, nhưng nữ Chủ tịch NSJ Hoàng Thị Thúy Nga lại một mực phủ nhận.
Hiếm gặp bởi trong các vụ án có yếu tố vụ lợi, cụ thể là hành vi đưa - nhận tiền, nếu có bị can phủ nhận cáo buộc thì thông thường đến từ phía người nhận. Nhưng ở vụ án này thì ngược lại, người không thừa nhận hành vi lại đến từ phía đưa tiền, dù bên nhận đã khai chi tiết.
Theo đó, bà Nga chỉ thừa nhận các hành vi vi phạm quy định đấu thầu và khẳng định không đưa tiền để cảm ơn cho các ông Vui, Long và bà Oanh. Chủ tịch NSJ Group bị đánh giá là chưa ăn năn, hối lỗi, cần xử lý nghiêm để bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung.
Câu hỏi được nhiều người băn khoăn: vì sao bà Nga phủ nhận đưa tiền nhưng cơ quan điều tra vẫn cáo buộc hai bên chi và nhận "hoa hồng" như đã đề cập?
Kết luận điều tra cho biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có công văn gửi Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam và Tổng công ty viễn thông MobiFone đề nghị cung cấp thông tin và dữ liệu của nhiều số thuê bao điện thoại.
Kết quả rà soát dữ liệu từ thuê bao của bà Nga xác định, trong các ngày 28.1.2018 và 22.1.2019, bà Nga có mặt tại TP.Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Ngày 10.1.2020, bà Nga có mặt tại TP.Hạ Long và có liên hệ điện thoại với bà Oanh. Ngày 17.1.2020, bà Nga tiếp tục có mặt tại TP.Hạ Long và liên hệ điện thoại với ông Long.
Những dữ liệu trên được đánh giá là phù hợp với lời khai của các bị can Vũ Liên Oanh, Ngô Vui và Hà Huy Long về khoảng thời gian được bà Nga gặp và đưa tiền. Ngoài ra, bà Bùi Thị Tình, Trưởng ban Tài chính (Công ty NSJ), cũng khai vào năm 2019 được bà Nga chỉ đạo qua điện thoại về việc đưa tiền cho con gái ông Vui.
Như vậy, căn cứ vào lời khai của các bị can khác và người có liên quan, cùng với dữ liệu, thông tin thu thập được, cho dù bà Nga không thừa nhận nhưng cơ quan điều tra nhận thấy vẫn có đủ căn cứ để kết luận về hành vi đưa - nhận tiền.
Trường hợp này có phần tương đồng với vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai. Theo đó, dù cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn và không có lời khai nhưng vì các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đều thừa nhận việc nhận hối lộ hàng chục tỉ đồng, cùng với các biện pháp điều tra khác (cho nhận dạng, vẽ sơ đồ, thực nghiệm hiện trường, sao kê tài khoản…), cơ quan tố tụng vẫn có đủ căn cứ để xử lý đối với các bị cáo.
Kê biên tài sản của cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng NinhQuá trình điều tra, để đảm bảo thi hành án, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra lệnh kê biên hàng loạt tài sản của các bị can. Trong số này có tới 7 bất động sản đứng tên vợ, chồng cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh Vũ Liên Oanh, 1 bất động sản do bà Oanh nhờ mẹ đẻ đứng tên. Các bất động sản nằm chủ yếu ở khu vực TP.Hạ Long.Một bị can khác có khối tài sản lớn bị kê biên là cựu Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Hà Huy Long. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra lệnh kê biên đối với 2 lô đất tại TP.Hạ Long và H.Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) do ông Long và vợ đứng tên sở hữu.Ngoài ra, công an còn phong tỏa 3 tài khoản ngân hàng đứng tên chủ sở hữu Hà Huy Long, với tổng giá trị 5 tỉ đồng.