News

6/recent/ticker-posts

Hãy dừng lại ngay việc 'tra tấn' cơ thể bằng đai nịt bụng để giảm cân

Hiện nay, một số người trẻ sử dụng đai nịt bụng để giảm cân, mong có vòng eo đẹp. Tuy nhiên, ít ai biết rằng nó ảnh hưởng sức khỏe như thế nào?

Sau khi đăng bài viết: "Nhiều người 'tra tấn' cơ thể để làm đẹp với đai nịt bụng" thì một số bác sĩ chuyên về dinh dưỡng đã có ý kiến về câu chuyện làm đẹp bằng cách này. Họ cho rằng hãy dừng lại ngay, đừng tin những lời giới thiệu về các sản phẩm và cách giảm cân trên mạng mà hại đến cơ thể.

Bạn trẻ sử dụng đai nịt bụng để giữ dáng

Đừng tin những lời quảng cáo mà rước họa vào thân

Điển hình như Nguyễn Ngọc Mai (23 tuổi), làm việc tại số 89/35 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM, cũng từng sử dụng đai nịt bụng mà Mai mua trên Facebook để giảm cân, có eo đẹp. Tuy nhiên cô gái này cảm thấy khó thở, mệt mỏi.

“Mình đã cố gắng đeo đai nịt bụng để giảm cân nhưng mình luôn cảm thấy tức ngực, nhịp thở không đều, hiệu suất làm việc không đạt yêu cầu, còn việc giảm cân thì không thấy. Mình mong mọi người đừng tin những lời quảng cáo mà rước họa vào thân”, Mai nói.

Vừa qua, Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Medic (tỉnh Bạc Liêu) có tiếp nhận trường hợp người phụ nữ 39 tuổi dùng đai nịt siết chặt bụng để giảm cân, sau đó đau bụng, nôn ói, bác sĩ chẩn đoán bị vỡ gan, xuất huyết nội.

Qua sự việc trên, bác sĩ Thạch Diễn, chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Medic, mong rằng các bạn trẻ hãy dừng lại phương pháp làm đẹp nguy hiểm với đai nịt bụng. Nếu mọi người muốn cải thiện ngoại hình, thì cần chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao, đồng thời xây dựng cho mình chế độ ăn uống ít chất béo, giảm đồ chiên xào, đồ ngọt, uống nhiều nước...

"Đừng quá tin tưởng vào quảng cáo trên mạng, từ những “người nổi tiếng” sử dụng các biện pháp không có cơ sở khoa học có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe bạn", bác sĩ Diễn nhắn gửi.

Điển hình cho lời khuyên của bác sĩ Diễn là trường hợp của Lý Tuấn Thiện (28 tuổi), sống tại hẻm C19, ấp 4B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM, đã giảm cân thành công mà không dùng bất cứ sản phẩm “tra tấn” nào.

Lý Tuấn Thiện cho hay: “Buổi sáng mình thường ăn khoai lang luộc cùng với 2 quả trứng gà và 1 cốc sữa tươi. Đôi khi mình dùng khoai tây luộc nghiền ra ăn chung với ức gà luộc và cải xanh, đó là những món mình chọn vừa tiện chế biến, lại vừa có được hàm lượng tinh bột tốt. Ngoài ra, mình còn kết hợp với tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày, chỉ sau 2 tuần như thế mình đã giảm được 3 kg mà cơ thể vẫn rất thoải mái, không hề có sự yếu sức".

Cũng theo Thiện nấu ăn tại nhà không những có lợi về dinh dưỡng mà còn tiết kiệm. “Khi nấu ăn quen rồi thì mình bắt đầu cảm thấy thích với việc tự chuẩn bị bữa ăn cho bản thân và gia đình. Nấu ở nhà mình sẽ chủ động hơn trong việc cân bằng dinh dưỡng cũng như là an tâm hơn về vệ sinh thực phẩm”, Thiện nói.

Đai nịt bụng không làm mất mỡ thừa mà còn gây ra những tác động xấu đến cơ thể

Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng (cơ sở TP.HCM) cho hay: "Hiện nay, thừa cân béo phì ngày càng phổ biến, kéo theo nhiều phương pháp giảm cân nguy hiểm khác nhau, trong đó có việc dùng đai nịt bụng".

Theo bác sĩ Hùng, đa phần phụ nữ sẽ truyền tai nhau, đai nịt bụng giúp săn bụng, giảm mỡ trong thời gian ngắn nên các chị em mua về và mang mọi lúc mọi nơi. Từ lúc tập luyện đến lúc ngủ với hy vọng đai tạo nên nhiệt sẽ đốt mỡ, định hình được vòng 2, bụng thon gọn, nhưng thực tế không như vậy.

"Đai nịt bụng không làm mất mỡ thừa mà còn gây ra những tác động xấu đến cơ thể. Theo đó, để hô hấp diễn ra bình thường thì lồng ngực cần có biên độ chuyển động để phổi, xương sườn có thể làm việc nhịp nhàng nhưng đai nịt bụng tạo ra áp lực làm hạn chế quá trình hô hấp dễ gây khó thở, tức ngực. Nguy hiểm hơn, đai nịt bụng tạo một áp lực lớn lên thành bụng từ đó gây chèn ép lên các cơ quan nội tạng như: Ruột, gan, làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn, thậm chí có những trường hợp gây phình, vỡ mạch máu", bác sĩ Hùng cảnh báo.

Bác sĩ Hùng cảnh báo thêm: "Nhiều người sử dụng đai nịt bụng cả khi đi ngủ làm cho quá trình đào thải chất cặn bã bị tắc nghẽn, gây kích ứng, đỏ da, tạo điều kiện vi khuẩn phát triển".