Ông Lavrov nói chính sách năng lượng của Nga không còn phụ thuộc vào phương Tây và Moskva sẽ không để họ "phá hoại đường ống khí đốt lần nữa".
Phát biểu tại Đối thoại Raisina, sự kiện thường niên do Bộ Ngoại giao Ấn Độ tổ chức, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm nay nhắc lại cáo buộc phương Tây đứng sau vụ phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream từ Nga sang Đức hồi tháng 9. "Chúng tôi sẽ không cho phép họ phá hoại các đường ống lần nữa", ông Lavrov cho biết.
Theo ông Lavrov, khi Nga muốn mở một cuộc điều tra, đề nghị này ngay lập tức bị từ chối. "Người Mỹ gọi đó là 'vô nghĩa'. Và khi Seymour Hersh công bố khám phá của ông ấy, bạn đã thấy châu Âu và Mỹ phản ứng ra sao", ông Lavrov nói, nhắc đến nhà báo điều tra kỳ cựu người Mỹ. "Đức đã bị bẽ mặt theo nhiều cách".
Ông cũng lưu ý rằng các động thái của Mỹ hiện tại nhằm biến châu Âu thành "bên lệ thuộc" vào Washington. Trong khi đó, chính sách năng lượng của Nga "không còn phụ thuộc vào bất kỳ đối tác nào ở phương Tây" và sẽ chú trọng vào các đối tác đáng tin cậy, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc.
4 vị trí rò rỉ trên hai đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 được phát hiện cuối tháng 9/2022, sau những vụ nổ lớn. Hai vị trí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Thụy Điển và hai nằm trong EEZ của Đan Mạch. Nga từng nhiều lần cáo buộc các nước phương Tây đứng sau các vụ nổ, nhưng không đưa ra bằng chứng.
Nhà báo Hersh hôm 8/2 cho rằng vào tháng 6/2022, thợ lặn hải quân Mỹ đã lợi dụng diễn tập BALTOPS 22 của NATO để cài thuốc nổ điều khiển từ xa dưới đường ống Nord Stream. Nhà Trắng bác bỏ thông tin.
Hersh là nhà báo điều tra nổi tiếng vào những năm 1970. Ông là người phanh phui vụ thảm sát Mỹ Lai và bê bối lính Mỹ tra tấn tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib ở Iraq năm 2004. Hersh cũng từng đăng các bài viết với nội dung trái ngược tuyên bố của Nhà Trắng về chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden năm 2011.
Tuy nhiên, ông gần đây hứng chịu nhiều chỉ trích vì những thông tin không có nguồn rõ ràng, mang tính chất của thuyết âm mưu và quá dựa vào các nguồn ẩn danh. Trang điều tra Bellingcat từng chỉ trích ông vì đưa tin không đúng về các vụ "tấn công hóa học" ở Syria.
Trong thư gửi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cuối tháng 2, Đức, Thụy Điển và Đan Mạch nhận định vụ nổ là "hành vi phá hoại có chủ đích" nhưng quá trình điều tra của ba nước chưa kết thúc. Họ cho biết đã thông báo cho giới chức Nga về quá trình điều tra.